Thổ cẩm Sa Pa và những câu chuyện kể

22:24 06-05-2025 | :52

 

Laocaitv.vn - Sa Pa mùa lễ hội rộn ràng tiếng khèn gọi bạn, dập dìu với những phiên chợ tình, hay rực rỡ với những sắc màu thổ cẩm. Nơi đây cũng có những câu chuyện kể về tình yêu. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu với quê hương, với những tinh hoa văn hóa, với giá trị truyền thống của mỗi dân tộc. Phóng sự sau đây, mời độc giả cùng cảm nhận tình yêu đó, trong một gia đình người Mông ở Tả Phìn, Sa Pa.

Hai năm học nghề, Giàng Thị Rủ ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa đã thành thạo mọi công đoạn để làm ra được một sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt. Khi còn đi học, Rủ từng có nhiều ước mơ, mong muốn được rời bản làng vùng cao để tìm kiếm một cuộc sống mới. Nhưng tình yêu với sắc màu thổ cẩm đã níu chân em ở lại. Tình yêu ấy được bồi đắp qua những câu chuyện mà mẹ kể lại cho em. 

"Em yêu nghề may, thêu thổ cẩm. Nghề này giúp em đảm bảo cuộc sống, có tiền chi tiêu. Em cảm thấy rất tự hào khi có thể giới thiệu được bản sắc dân tộc mình cho tất cả mọi người, kể cả những bạn ở nước ngoài", Giàng Thị Rủ chia sẻ.

 

Sản phẩm thổ cẩm được làm thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.

Truyền được tình yêu thổ cẩm cho các con là điều mà chị Thào Thị Sung ở thôn Can Ngài, xã Tả Phìn luôn tự hào. Cách đây 12 năm, khi còn là một thanh niên nhiệt huyết, chị Sung đã cất công tìm đến nhiều nơi, nhiều người để học nghề, tìm hiểu mô hình sản xuất hàng thổ cẩm. Căn nhà nhỏ với chiếc khung cửi dệt lanh cũng được dựng lên từ đó, với vốn đầu tư ban đầu vỏn vẹn 120 triệu đồng. Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2016 đã tiếp thêm động lực để chị Thào Thị Sung kiên trì với niềm đam mê thổ cẩm cho tới tận ngày hôm nay.

"Lúc đầu chưa có khách đặt hàng, chỉ có khách đi đường mua giúp bà con. Sau đó, tôi đi giao lưu học hỏi ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và có khách quen họ đặt hàng. Tôi sẽ bảo bà con tranh thủ làm nhiều sản phẩm bán cho khách để cùng nhau thoát nghèo", chị Thào Thị Sung cho biết thêm.

 

Đa dạng mẫu mã sản phẩm thổ cẩm tại cửa hàng của chị Thào Thị Sung.

Sản phẩm thổ cẩm tại cửa hàng của chị Sung đều được làm thủ công. Chị Sung cũng không ngừng tìm tòi, tham khảo để tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng như túi đựng laptop, máy ảnh, khăn trải bàn, vỏ chăn, gối, ba lô… được khách du lịch trong và nước ngoài ưa chuộng. Hiện nay, cơ sở thổ cẩm Thào Thị Sung đang tạo việc làm cho hơn 20 thành viên, tất cả đều là nữ giới với thu nhập ổn định.

Ông Vàng A Dình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Can Ngài cho biết: "Gia đình chị Sung rất tự tin với mô hình sản xuất hàng thổ cẩm. Chúng tôi cũng vận động bà con trong thôn đến gia đình chị để tham quan, học hỏi kinh nghiệm". 

Ở vùng cao Sa Pa, còn nhiều người tâm huyết với sản phẩm thổ cẩm như chị Thào Thị Sung. Mỗi hành trình khởi nghiệp là một câu chuyện ý nghĩa và đầy màu sắc. Qua đó, làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, tạo sự hứng khởi trong đời sống tinh thần, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc một cách bền vững.

Thu Hường - Phạm Dương 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết