Tục hóa vàng của người Việt

19:26 14-02-2021 | :3346

Laocaitv.vn - Hóa vàng là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Lễ cúng hóa vàng thường được gọi là lễ tiễn ông bà tổ tiên hay lễ tạ đầu năm mới. Trong nhịp sống hiện đại, lễ hóa vàng cũng có ít nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống.

Vào ngày mùng 3 tết, nhiều gia đình thường làm lễ cúng hóa vàng cho tổ tiên.

Ngày mùng 3 tết, gia đình anh Đỗ Thành Quân ở thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai làm lễ cúng hóa vàng cho tổ tiên với đầy đủ lễ nghi theo truyền thống. "Gia đình tôi làm lễ cúng theo phong tục truyền thống xưa, nên cứ ngày 30 sẽ đón ông bà tổ tiên về ăn tết và hết 3 ngày tết gia đình tôi lại đốt vàng mã tiễn ông bà trở về, mong muốn ông bà, tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm may mắn, công việc thuận lợi", anh Đỗ Thành Quân, thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai chia sẻ.

Theo quan niệm truyền thống, lễ hóa vàng cũng chính là lễ đón thần tài, thần lộc về với gia đình, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, hanh thông. Trong nhịp sống hiện đại, nét đẹp văn hóa này vẫn được mỗi gia đình gìn giữ nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với nếp sống văn hóa mới.

Theo quan niệm truyền thống, lễ hóa vàng là lễ đón thần tài, thần lộc về với gia đình.

"Hóa vàng ngày tết là truyền thống của dân tộc, tuy nhiên tôi luôn cân nhắc và sắp xếp hợp lý để vừa đầy đủ lễ nghi, thể hiện lòng thành kính, nhưng việc đốt vàng mã cũng vừa phải để tránh lãng phí, khi đốt tôi luôn chú ý để không ảnh hưởng đến người khác, và đề phòng hỏa hoạn một cách cao nhất", bà Phạm Thị Loan, thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai chia sẻ.

Với những nhận thức đúng đắn như vậy của mỗi gia đình, nét đẹp văn hóa trong lễ hóa vàng sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát triển, đồng thời hạn chế thấp nhất những vấn đề phát sinh như: Hỏa hoạn, lãng phí, ô nhiễm môi trường từ hoạt động tín ngưỡng văn hóa này.

Mai Huệ - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết