Ước mơ của cô giáo mầm non ở bản vùng cao

18:04 07-09-2022 | :888

Laocaitv.vn - Có những ước muốn nhỏ bé, nếu thành sự thật sẽ mang đến thêm tiếng cười, niềm vui. Tại vùng cao Bản Hồ, thị xã Sa Pa, các cô giáo mầm non cắm bản bằng tình yêu thương, cần mẫn chăm lo, dạy dỗ cho những trẻ thơ. Mơ ước của các cô thật giản dị, làm sao những bản vùng cao này bớt đi gian khó.

 

Đoạn đường từ trường chính lên điểm mầm non Tả Trung Hồ B dài hơn 10km, trong đó quá nửa là leo dốc và gập ghềnh đá tảng như thế này. Đây cũng là nỗi sợ, là khó khăn lớn nhất mà cô giáo 9X Đỗ Thị Nhật Lệ gặp phải, khi về nhận công tác tại đây. Cô giáo Đỗ Thị Nhật Lệ, Trường Mầm non Bản Hồ, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Hôm đầu tiên lên, em vừa đi vừa khóc. Từ đầu năm, chắc có 1, 2 lần em tự đi xe lên được, còn lại toàn đi bộ hoặc phải nhờ người dân chở xe máy, mang thức ăn lên.”

Các cô vừa là cô giáo, vừa là mẹ dạy học, chăm bẵm các em tận tình.

Điểm Tả Trung Hồ B có 1 lớp ghép mầm non từ 2 - 5 tuổi, với hơn chục bé người dân tộc. Chưa thạo tiếng phổ thông, nhiều bé đến lớp lạ lẫm, thường xuyên quấy khóc. Hai cô vừa là cô giáo, vừa là mẹ dạy học, chăm bẵm tận tình. Các cô cũng nhận được những sẻ chia, ân tình của bà con bản Dao này. Bà Chảo Sử Mẩy, thôn Tả Trung Hồ B, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa cho biết: “Hôm nay, mình bận gặt lắm nhưng vẫn lên đây giúp các cô giáo quét sân, dọn dẹp. Các con đưa tới trường rồi, khai giảng ở đây vui lắm.”

Cô giáo Hoàng Thị Huyên, Trường Mầm non Bản Hồ, thị xã Sa Pa nói: “Các phụ huynh cũng rất chia sẻ. Ở đây, bà con khó khăn, nhưng ngày lễ, ngày Tết cũng vẫn hay tổ chức cho các cô giáo, hay là ở nhà nấu cơm cũng mời các cô giáo sang ăn.”

Trên những bản làng quanh năm mây phủ của Sa Pa còn nhiều điểm trường khó, có 6 điểm trường đặc biệt khó khăn. Nhiều thầy cô giáo đang bền bỉ bám bản, bám trường, gắn bó với sự nghiệp giáo dục, trồng người. Tiếp thêm động lực vượt khó cho họ, là sự quan tâm thiết thực từ ngành, từ nhà trường và Nhân dân các dân tộc.

Sân chơi của các bé Trường mầm non Bản Hồ, thị xã Sa Pa.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa nói: “Nếu ở điểm nào chưa có điện, thì sẽ hỗ trợ các đèn năng lượng, quan tâm khen thưởng, và nếu có cơ hội luân chuyển thì sẽ ưu tiên những người đã dám dấn thân vào những nơi khó khăn như thế.”

Trở lại với Tả Trung Hồ B. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, tình yêu nghề, các cô sẽ vượt qua khó khăn, để khai mở con chữ đầu đời cho những đứa trẻ vùng cao. Ước mơ của những người trẻ tuổi ấy, là con đường đi bớt gập ghềnh, là mùa đông bớt lạnh, và hơn hết là mong muốn có nhiều hơn nữa sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng, để các em học sinh của mình có thêm điều kiện đến trường.

Thu Hường – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết