Phân hiệu mầm non Lũng Sắc, xã Tân Dương mới được đưa vào sử dụng từ năm 2012, với 2 phòng học kiên cố và 1 công trình vệ sinh nhờ nguồn đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, một lớp học ở đây đã không thể sử dụng được với lý do: không đảm bảo an toàn. Theo quan sát của phóng viên, tường lớp học và nhà vệ sinh xuất hiện những vết nứt khá lớn; nhiều chỗ thậm chí dùng tay có thể dễ dàng để cậy được những lớp vữa gắn trên tường. Theo người dân sống ở gần khu vực trường cho biết: do xuống cấp nghiêm trọng ngay từ khi mới đi vào hoạt động, không đảm bảo an toàn cho các cháu, nên thầy cô không dám cho các em học, mặc dù phân hiệu này vẫn thiếu phòng học. Ông Lý Văn Dẩu- một người đã từng hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây điểm trường này không khỏi buồn lòng cho biết: Công trình không những không phát huy được hiệu quả, mà còn đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của học sinh.
Trở lại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên một địa phương vẫn còn khá nhiều lớp học tạm không đảm bảo an toàn như chúng tôi phản ánh trong các chương trình thời sự trước. Ông Hoàng Văn Tiến- Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho rằng: Địa phương đang rất trăn trở trong việc tìm nguồn lực để sửa chữa những lớp học tạm bợ, nhằm đảm bảo các em đủ điều kiện trước khi ngày tựu trường diễn ra. Tuy nhiên cũng tại xã đặc biệt khó khăn này, vẫn có những lớp học được đầu tư kiên cố, nhưng cũng không thể đưa vào sử dụng được với lý do như đã nêu trước.
Đi tìm câu trả lời cho nghịch lý này, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lương Quang Đua- Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Bảo Yên. Ông Đua cho rằng: Câu chuyện nhiều lớp học được đầu tư kiên cố, nhưng lại nằm “đắp chiếu” không thể sử dụng được tồn tại khá nhiều tại huyện Bảo Yên. Lý do là sau một thời gian ngắn sử dụng, các lớp học này đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn nên đành bỏ hoang. Theo ông Đua, khâu khảo sát, thiết kế và chất lượng công trình còn nhiều vấn đề đáng bàn. Đây những là nguyên nhân chính khiến một số điểm trường xuống cấp nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Quan điểm của ngành giáo dục – đào tạo huyện Bảo Yên là không để học sinh học trong những lớp học không đảm bảo an toàn.
Huyện Bảo Yên vẫn còn rất nhiều phòng học tạm được làm bằng tranh tre vách nứa- đây là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương khi năm học mới đã cận kề. Nỗi trăn trở đó càng nhân lên khi vẫn còn đó không ít lớp học mặc dù được đầu tư hàng trăm triệu đồng, lại không thể sử dụng với lý do: chất lượng không đảm bảo. Chưa bàn đến trách nhiệm thuộc về ai? Nhưng thực trạng này đã làm giảm niềm tin của người dân vào những công trình đầu tư của Nhà nước.
Trung Kiên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết