Laocaitv.vn - Bát Xát phải tạo nên thương hiệu giáo dục vùng cao - đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội thảo công tác quản lý giáo dục và đào tạo năm 2018, diễn ra ngày 6/11 tại huyện Bát Xát.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, lãnh đạo huyện Bát Xát và gần 100 cán bộ quản lý các trường, lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện Bát Xát.
Đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Theo báo cáo tại hội thảo, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Bát Xát tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Tính đến 30/10/2018, huyện Bát Xát đã thực hiện sáp nhập 31 trường thành 14 trường; gộp 51 điểm trường mầm non và tiểu học, xóa 9 điểm trường, đưa 2.083 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính. Hiện toàn huyện có 66 trường công lập, 1.028 lớp học với 24.277 học sinh. So với cuối năm học 2017-2018 giảm 18 lớp, nhóm lớp so với kế hoạch; tăng 630 trẻ, học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 25%; mẫu giáo đạt 96,2%; trẻ 6-10 tuổi đạt 100%; 11-14 tuổi đạt 99,11%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học học lên lớp 6 đạt 99,9%; học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 đạt 77,3%. Hiện toàn huyện có 30/66 trường đạt chuẩn quốc gia.
Cơ sở vật chất, trường lớp học tiếp tục được tăng cường đầu tư gắn với đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các trường ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú. Hiện 100% các trường đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính, 97,6% tại các điểm trường với diện tích đất cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Đến tháng 9/2018, huyện Bát Xát có tổng số 1.105 phòng học, 205 phòng hiệu bộ, 95 phòng học bộ môn, 589 phòng công vụ giáo viên, 468 phòng ở học sinh bán trú, 121 nhà bếp, 420 nhà vệ sinh. Các trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác dạy và học cũng như các điều kiện ăn ở của học sinh.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét và toàn diện, vững chắc ở tất cả các cấp học, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có nhiều mô hình và giải pháp đặc thù nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc ở 23/23 xã, thị trấn; chất lượng giáo dục đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ người biết chữ tăng. Nhiều mô hình giáo dục hiệu quả như trường học gắn liền với thực tiễn thực hiện phương châm học đi đôi với hành; tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Các mô hình: trường học “Nông trường, nông trại”, trường học “Du lịch, sinh thái”, trường học “Đa văn hóa” đã phát huy ưu thế, đạt được kết quả bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới quản lý, phương pháp giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Với đặc thù giáo dục của một huyện vùng cao, biên giới, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã thực sự trở thành trường nòng cốt phát triển giáo dục vùng cao. Công tác giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý nội trú, bán trú đã đi vào nền nếp theo mô hình “bán trú tự quản” và hoạt động “một ngày bán trú”.
Tại hội thảo, cán bộ quản lý các trường và lãnh đạo cấp xã đã tích cực thảo luận, đưa ra các giải pháp nâng cao công tác quản lý giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Bát Xát. Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung kiến nghị: Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đầu tư xây dựng nhà ăn, bếp nấu cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú; cân đối nguồn vốn sự nghiệp giáo dục để mua sắm một số thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại; có chính sách hỗ trợ cho học sinh ở khu vực vùng II, những thôn xa, thôn còn khó khăn, xã mới đạt nông thôn mới; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ dưới 3 tuổi ra lớp vùng đặc biệt khó khăn và con hộ nghèo; miễn học phí đối với trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo.
Quang cảnh hội thảo.
Kết luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác quản lý giáo dục và đào tạo của huyện Bát Xát trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Bát Xát là một huyện có diện tích lớn, dân số đông, trung bình cứ 4 người dân thì có một người đi học, cùng với đó điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Do đó, Bát Xát phải hết sức nỗ lực trong sự nghiệp giáo dục, biến khó khăn thành động lực để đưa giáo dục của Bát Xát thành thương hiệu giáo dục vùng cao.
Đồng chí Nguyễn Thanh Dương yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bát Xát tích cực phối hợp với các sở, ngành không để các trường học, học sinh thiếu nước sạch; khẩn trương hoàn thiện nhà vệ sinh giai đoạn 1 tại các trường học trước 4/12. Tiếp tục rà soát nhu cầu của các trường để đề xuất UBND tỉnh về ưu tiên xây dựng nhà ăn và bếp nấu bán trú, nội trú tại các trường; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với những nơi vùng cao còn tiềm ẩn nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến giáo dục như: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, người lớn đi khỏi địa phương, sinh viên ra trường không có việc làm; kiên quyết nói không với ngộ độc thực phẩm tại trường học, tuyệt đối không để xảy ra bạo lực học đường. Tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên; thường xuyên bồi dưỡng trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho các đồng chí làm quản lý giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên hằng năm./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết