Bệnh tan máu bẩm sinh khó chữa nhưng dễ phòng ngừa

17:52 08-05-2021 | :151

Laocaitv.vn - Ngày 8/5 là ngày Thalassemia thế giới. Bệnh Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh là một trong các bệnh di truyền lặn phổ biến nhất trên thế giới. Hiện nay, bệnh chưa có phương pháp điều trị triệt để, người bệnh cả đời phải sống nhờ vào truyền máu và thải sắt. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh khi được tư vấn và có hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này.

 

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai tiếp nhận từ 70 – 80 trường hợp đến điều trị  bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là căn bệnh do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời... Tuy nhiên, bệnh có thể được tầm soát và phòng ngừa từ sớm thông qua phương pháp sàng lọc.

Bác sỹ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai cho biết: "Chúng tôi đã thành lập phòng tư vấn tiền hôn nhân. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh chúng tôi sẽ tư vấn làm xét nghiệm gen xem có di truyền hay không; thứ hai, chúng tôi cũng triển khai xét nghiệm sau sinh tại khoa hỗ trợ sinh sản, tất cả trẻ sinh ra tại bệnh viện đều được tư vấn khám sàng lọc các bệnh di truyền, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh".

Bệnh tan máu bẩm sinh nếu không được điều trị sẽ khiến bệnh nhân chậm phát triển.

Tại Lào Cai, theo khảo sát ở 5 nhóm dân tộc thiểu số gồm Giáy, Nùng, Bố Y, Phù Lá, Hà Nhì thì tỷ lệ người mang gen bệnh Thalassemia chiếm 24,5%. Trung bình mỗi năm, Lào Cai có khoảng 2.000 trẻ sinh ra mang gen bệnh, trong đó có trên 80 trường hợp phải tiến hành điều trị bằng truyền máu và thải sắt. Nếu không được điều trị thường xuyên và đầy đủ thì sẽ làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng.

Bà Trần Thị Thu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tuyên truyền cho người dân hiểu biết về nguy cơ mắc bệnh Thalassemia và cách phòng tránh; đồng thời, tập trung tuyên truyền về công tác tầm soát, chẩn đoán điều trị sớm một số bệnh trước sinh, sơ sinh và các hoạt động về không kết hôn cận huyết thống".

Để phòng tránh căn bệnh tan máu bẩm sinh, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng thì chính mỗi người dân cũng cần nâng cao kiến thức về căn bệnh này; từ đó có những giải pháp để tầm soát và sàng lọc bệnh hiệu quả. 

Huyền Trang – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết