Bức tranh sáng trong phát triển kinh tế ở khu căn cứ cách mạng Soi Cờ

16:12 19-08-2019 | :1117

Laocaitv.vn - Được thành lập năm 1948, khu căn cứ cách mạng Soi Cờ, Soi Giá, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng từng là cơ sở cách mạng vững chắc, nơi khởi nguồn cho nhiều phong trào cách mạng tại Lào Cai. Tại nơi này, các đội du kích đã gây ra nhiều tổn thất cho quân giặc và 14 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến với thực dân pháp. Trải qua hơn 7 thập kỷ, cái nôi cách mạng năm xưa giờ đây là một vùng quê trù phú đang có nhiều đổi thay trong phát triển kinh tế, xã hội.

Khu di tích Soi Cờ - nơi tưởng niệm các liệt sỹ anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: Đức Tính)

Trong quá trình hoạt động cách mạng, tổ cán bộ xung kích đã được nhân dân thôn Soi Cờ tích cực giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Năm 1948, địch đã tiến hành đàn áp, tàn sát 14 người và đốt cháy 38 nhà dân, khiến cho nhân dân vô cùng căm phẫn và càng tích cực tham gia cách mạng, qua đó đã góp phần giúp tổ cán bộ xung kích thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh Pháp, giải phóng Lào Cai. Soi Cờ ngày nay không còn những dấu vết của những cuộc chiến ác liệt năm xưa, tất cả chỉ có trong những câu chuyện được thế hệ trước nối tiếp kể cho thế hệ sau nghe. Tại khu di tích Soi Cờ, nơi tưởng niệm 14 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, giờ đây trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Với anh Lê Hồng Chung những hình ảnh về khu cách mạng Soi Cờ được tái hiện đậm nét qua những câu chuyện của ông, cha, từng là cán bộ trực tiếp tham gia công tác tại khu cách mạnh này. Anh Chung chia sẻ: "Chúng tôi là thế hệ sinh sau được nghe ông, cha mình kể lại những trận chiến đấu oanh liệt chống kẻ thù xâm lược nước ta. Tôi càng yêu quê hương mình. Nối tiếp truyền thống đó, tôi luôn giáo dục con, em mình là những tấm gương sáng, tiên phong, đì đầu trong mọi phong trào tại địa phương, hoàn thành nghĩa vụ công dân, tham gia tích cực các phong trào xây dựng nông thôn mới làm cho quê hương cách mạng ngày càng phát triển, giàu đẹp".

Phát huy truyền thống cách mạng đó, bao đời nay người dân Soi Cờ luôn cùng đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương của mình. Trong vài năm trở lại đây, nhờ biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nên đời sống của người dân không ngừng đổi thay từng ngày. Nhiều mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả cao cũng đã xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, khiến vùng quê cách mạng năm xưa đang dần phát triển mạnh mẽ. Gia đình ông Vương Văn Tầm là hộ luôn tiên phong trong việc đưa những cây trồng giá trị cao vào sản xuất. Gần 30 năm trồng cây ăn quả trên mảnh đất này, ông Tầm đã có cả trang trại cây ăn quả rộng hơn 2 ha với thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ về điều này, ông Tầm cho biết: "Tôi thấy vùng đất nơi đây đang thay đổi từng ngày, các cây trồng kém hiệu quả đã được thay thế bằng cây mít, cây na, cây cam đem lại hiệu quả cao. Bà con có thu nhập kinh tế ổn hơn trước kia, khi kinh tế ổn định thì lại cùng nhau xây dựng nông thôn mới".

Đến thôn Soi Cờ sẽ được nghe kể về những “triệu phú” làm giàu ngay chính cái nôi cách mạng của địa phương. (Ảnh: Trung Kiên)

Ông Phạm Thanh Tám, Bí thư Chi bộ thôn Soi Cờ hồ hởi cho chúng tôi biết: "Bà con ở đây luôn biết phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, cả thôn có 160 hộ nhưng chỉ còn lại có 8 hộ thuộc diện nghèo. Người dân nói không với tệ nạn xã hội, môi trường nông thôn được coi trọng, nếp sống văn minh hiện hữu trong từng gia đình. Vùng đất này nhỏ bé thôi nhưng bà con nơi đây luôn có tâm huyết làm giàu cho quê hương".

Soi Cờ giờ đây vẫn đang vươn mình mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết là “điểm tựa” để giúp người dân luôn biết cách vượt qua khó khăn để cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp./.  

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết