Cần có giải pháp bền vững trong xử lý chất thải rắn tại khu công nghiệp Tằng Loỏng

14:44 22-12-2021 | :334

Laocaitv.vn - Khu Công nghiệp Tằng Loỏng là nơi tập trung nhiều nhà máy, cơ sở chế biến phân bón, hóa chất và luyện kim lớn nhất cả nước, hàng năm, khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát thải hàng triệu tấn. Do chưa có giải pháp xử lý bền vững nên tình trạng quá tải chất thải rắn công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sản xuất của một số nhà máy. Do vậy, việc có một giải pháp bền vững để giải quyết triệt đề tình trạng này là hết sức cần thiết.

Bãi thải có sức chứa 4,1 tấn chất thải gyps đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Mỗi năm, nhà máy sản xuất phân bón của công ty Cổ phần DAP số 2 tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng thải ra gần 1 triệu tấn chất thải rắn là bã quặng Apatit. Đến nay, bãi thải có sức chứa 4,1 tấn chất thải gyps của nhà máy đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Trong khi đó, nhà máy này vẫn chưa tìm được phương án xử lý chất thải rắn gyps hiệu quả lâu dài. Anh Đỗ Doãn Mạnh Hoàn, tổ giám sát bãi gyps Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem nói: "đơn vị đang san gạt hết những chỗ trống để có thể đổ thêm vào để đảm bảo nhà máy tiếp tục sản xuất".

Ông Vũ Việt Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2 cho biết: "công ty đã nỗ lực tìm kiếm đối tác để xử lý chất thải gyps làm nguyên liệu phục vụ xây dựng, nhưng đều không khả thi vì liên quan đến các quy định về môi trường do chất thải gyps của công ty vẫn chứa hóa chất độc hại".

Nếu như không có phương án giải quyết lâu dài, bền vững thì việc các nhà máy dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng là điều khó tránh khỏi.

Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hiện có hơn 30 nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản, luyện kim, vật liệu xây dựng, hóa chất. Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn phát sinh sau sản xuất khoảng 3,8 triệu tấn, chủ yếu là xỉ thải lò điện của các nhà máy sản xuất phốt pho và bã thải gyps, cặn xỉ sắt, gạch chịu lửa phế thải và bã thải luyện đồng… Nếu như không có phương án giải quyết lâu dài, bền vững thì việc các nhà máy dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng là điều khó tránh khỏi. Ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "phương án lâu dài chúng tôi đã đề nghị các nhà máy nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị có năng lực nghiên cứu sản xuất, tái chế lại. Đưa chất thải thành đầu vào sản xuất vật liệu xây dựng…"

Hiện nay, nhiều khu công nghiệp ở một số địa phương trong nước như Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên… đã triển khai các dự án với mức đầu tư từ 50 tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng để xử lý, tái chế chất thải rắn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Với tỉnh Lào Cai, việc tìm hiểu kinh nghiệm từ các địa phương này để có cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xử lý, chế biến chất thải rắn công nghiệp là việc cần làm ngay để ổn định hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Đức Tính


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết