Cần nhiều giải pháp trong phòng chống nạn tảo hôn ở Bát Xát

12:18 15-09-2020 | :2024

Laocaitv.vn - Từ đầu năm đến nay, tại huyện vùng cao Bát Xát đã có 23 trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu tại các xã Trung Lèng Hồ, A Mú Sung, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, Nậm Chạc, Cốc Mỳ, Dền Thàng. Dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động cho đến xử phạt nhưng tình trạng tảo hôn vẫn gặp nhiều khó khăn và có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Chúng tôi gặp vợ chồng Sùng A Vảng (sinh năm 1999) và Giàng Thị Sía (sinh năm 2000) ở thôn Phù Lao Chải, xã A Mú Sung trong căn nhà tuềnh toàng không có tài sản giá trị lớn. Đứa con nhỏ của 2 vợ chồng năm nay đã được gần 2 tuổi, do sức khỏe yếu nên bé hay bị ốm, sốt cao, cơ thể gầy còm. Năm 2017, Sùng A Vảng rủ Giàng Thị Sía về nhà cùng chung sống nhưng 2 vợ chồng lại không dám đi đăng ký kết hôn do biết là đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng vất vả hơn khi Vảng có con đầu lòng. Trong khi đó 2 vợ chồng trẻ chỉ mới học hết lớp 9, cuộc sống chỉ biết trông chờ vào mảnh nương nhỏ của gia đình. Sùng A Vảng đã đưa ra lý do kết hôn rất đơn giản: “Lúc đấy mình sắp đi nghĩa vụ, mình nghĩ lấy sớm rồi mình đi. Mình cũng không muốn lấy sớm đâu nhưng mà lúc đi thì mình sợ bạn gái lại đi lấy chồng”.

Trường hợp của cặp vợ chồng Sùng A Vảng và Giàng Thị Sía là một trong những điển hình cho nhiều hệ lụy vì tảo hôn trên địa bàn huyện Bát Xát. Mặc dù chính quyền xã đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, kể cả sử dụng hình thức xử phạt hành chính, tuy nhiên, do hầu hết các hộ gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc xử phạt chỉ còn mang tính hình thức. Cá biệt, có nhiều trường hợp, chính quyền xã đến tuyên truyền, vận động nhưng chỉ đến ngày hôm sau là các cặp đôi này trốn vào rừng, dựng lán lén lút chung sống với nhau như vợ chồng. Có nhiều trường hợp tảo hôn sớm còn lách luật, khi không tổ chức đám cưới và đợi tuổi để đi đăng ký kết hôn.

“Bây giờ xây dựng quy ước thôn, bản chỉ bị xử lý bằng ngày công lao động, chỉ bị phạt từ 1 đến 2 ngày công, việc xử phạt thấp không mang tính răn đe nên việc phòng chống nạn tảo hôn trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đạo, cán bộ tư pháp xã A Mú Sung, huyện Bát Xát chia sẻ.

Buổi sinh hoạt câu lạc bộ Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Pa Cheo.

Thực tế, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn thời gian qua trên địa bàn huyện Bát Xát đều là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ít có cơ hội tiếp thu các tri thức văn hóa, đồng thời các chế tài xử lý còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm là những nguyên nhân khiến nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra. Được biết, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, trong thời gian qua, chính quyền và các đoàn thể của huyện Bát Xát đã chủ động xây dựng quy ước chung của thôn, bản, như quy định về không tảo hôn, kết hôn sớm; phát huy hiệu quả các mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương vùng cao, như “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Không cưới tảo hôn”, "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", diễn đàn “Thanh niên với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”, đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước ngăn chặn tập tục lạc hậu này trên địa bàn.

“Chúng tôi tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh nhất là lứa tuổi lớp 8, lớp 9. Đối với những thanh thiếu niên không đi học mà ở nhà thì chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền để các em nắm được Luật Hôn nhân và gia đình”, ông Lý Việt Hùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát cho biết.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn như huyện Bát Xát, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm về tảo hôn theo quy định của pháp luật, kết hợp với xử lý theo hương ước, quy ước; tăng cường tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, những hệ lụy mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… ở nhà trường để ngăn chặn tình trạng bỏ học về lấy chồng. Đặc biệt, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức từ chính các bậc phụ huynh để có sự quan tâm hơn đến công tác giáo dục con cái, nhất là giai đoạn bắt đầu trưởng thành cần kịp thời giáo dục, uốn nắn các em.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết