Laocaitv.vn - Chất độc da cam đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề, đau thương với các nạn nhân và người thân của họ. Không gì có thể đong đếm hết nỗi đau của những người mẹ phải chứng kiến con mình sinh ra bị nhiễm chất độc hóa học với hình hài, trí óc không trọn vẹn. Với họ sự cảm thông, sẻ chia của cộng đồng là động lực để giúp họ vững tin hơn trên chặng đường phía trước.
Mọi sinh hoạt cá nhân của con gái đều do bà Trần Thị Phương chăm lo.
Tại gia đình bà Trần Thị Phương, thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, 1 căn phòng đã được dựng lên để dành riêng cho người con gái 46 tuổi, ngăn không cho con đi lang thang. Con gái bà bị di chứng của chất độc da cam, mắc bệnh tâm thần, không tự chủ được hành động. Mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều do bà chăm lo. "Thấy con là tôi rất đau lòng, không nỡ lòng nào mà bỏ con. 3 năm nay con gái tôi cũng nhiều bệnh lắm, giờ cả mẹ uống thuốc, con cũng phải uống thuốc", bà Trần Thị Phương, thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Sừ chăm sóc cô con gái đã hơn 40 tuổi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Đã hơn 30 năm qua, gần như năm nào bà Nguyễn Thị Sừ, tổ 9, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai cũng đi các bệnh viện lần lượt chăm chồng, chăm con. Nhìn con gái đã hơn 40 tuổi, miệng ú ớ không nói nên câu, trí tuệ không được như người bình thường khiến lòng bà Sừ lại quặn thắt. Dù vậy, bà Sừ chưa một lời than vãn, bởi với bà, một ngày còn được nhìn thấy chồng con trên đời là còn hạnh phúc. "Khi con bị như thế thì đau đớn lắm, gia đình tôi luôn tâm niệm là phải chăm sóc hết lòng cho con. Các cấp, các ngành cũng đến để động viên, thăm hỏi gia đình cũng thấy ấm lòng hơn", bà Nguyễn Thị Sừ, tổ 9, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai bày tỏ.
Trên đây chỉ là một vài thân phận trong hàng nghìn cảnh đời bất hạnh vẫn đang hằng ngày sống và giành giật sự sống cho những đứa con không lành lặn do chất độc da cam. Cuộc chiến ấy có thể kéo dài, thậm chí là cả đời người. Nhưng, họ cũng lại là minh chứng sống động cho một chân lý rằng, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không giống bất kỳ thứ gì khác trên đời. Và sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin để họ tiếp tục vượt qua nỗi đau da cam.
Huyền Trang – Việt Hòa
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết