Cầu nối xuất khẩu lao động

09:34 18-08-2024 | :103

Laocaitv.vn - Tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhiều lao động gặp khó khăn khi tiếp cận cơ hội đi xuất khẩu lao động. Nguyên nhân là chưa nắm rõ chính sách hỗ trợ, thiếu thông tin về thị trường, tâm lý “sợ” đi làm việc ở nước ngoài. Vậy nên, những doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chính là cầu nối, giúp người dân tiếp cận và có lựa chọn phù hợp.

Thông qua những phiên giới thiệu việc làm, đại diện Công ty Cổ phần Hợp tác Quốc tế Cema đã đến nhiều xã vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, tư vấn chính sách ưu đãi và lợi ích khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp đã thu hút được 40 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký đi xuất khẩu lao động. 

Ông Tô Văn Cảnh, Trưởng đại diện tại Lào Cai, Công ty Cổ phần Hợp tác Quốc tế Cema cho biết: "Khi người lao động đã sang nước ngoài thì chúng tôi vẫn theo sát. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài nếu có phát sinh gì thì chúng tôi sẽ đồng hành và hỗ trợ xử lý". 

Chị Giàng Thị Chử, ở xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát chia sẻ: "Sau khi nghe tuyên truyền, tôi cũng hiểu xuất khẩu lao động sẽ có mức lương tốt hơn. Thời gian tới, nếu không có công việc ổn định, tôi sẽ đi xuất khẩu lao động".

 

Một buổi tư vấn chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân tộc thiểu số.

Không chỉ thông qua những phiên giới thiệu việc làm, để người lao động tin tưởng và mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động, một số doanh nghiệp còn đến nhiều bản làng vùng cao để tư vấn, hỗ trợ cụ thể.

Bà Vũ Thị Hằng, đại diện Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sona cho biết: "Tôi cùng đội ngũ nhân viên văn phòng tới từng hộ dân, từng nhà người lao động để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, chia sẻ chương trình cho người dân chuyên sâu hơn, để đạt những điều kiện tiêu chuẩn".

Đại diện các công ty xuất khẩu lao động tư vấn trực tiếp cho người dân. 

Lào Cai hiện có 34 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để người lao động nắm được thông tin và các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là tránh được những thông tin không chính thống, ngành chức năng đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp này.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Những đơn vị này phải được cấp phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có uy tín, trách nhiệm thì mới được phép lên địa bàn tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền địa phương để tuyển chọn người lao động. Đây cũng là những doanh nghiệp lâu năm, có kinh nghiệm đưa người lao động đi nước ngoài, sẽ hỗ trợ người lao động được nhiều hơn".

Sự vào cuộc, kiểm soát chặt chẽ của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương sẽ đảm bảo thị trường cung cấp dịch vụ lao động phát triển lành mạnh, giúp người lao động có được sự lựa chọn và quyết định đúng đắn.

Diệp Chi - Lương Mạnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết