Chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số

20:30 17-11-2023 | :739

Laocaitv.vn - Huyện Văn Bàn có trên 84% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc chú trọng giáo dục đại trà, huyện cũng đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số, tạo động lực giúp các em yên tâm học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Dạng có 156 học sinh ở bán trú. Được thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo từ vệ sinh cá nhân, sắp xếp phòng ở cho đến cách ứng xử với bạn bè trong môi trường tập thể; được tham gia nhiều hoạt động... các em dần hình thành lối sống lành mạnh, tự lập. Em Triệu Thị Hà, học sinh nhà trường chia sẻ: "Nhà em ở cách trường hơn 10 km, em rất thích ở bán trú, ở đây rất vui, các thầy cô rất quan tâm chăm sóc học sinh".

Các em học sinh tham gia câu lạc bộ Thêu.

Xây dựng “Trường học đa văn hóa”, nhà trường đang có 2 câu lạc bộ là Thêu và Viết chữ Nôm Dao; khuyến khích 100% học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ 5 hàng tuần và các ngày lễ, hội trong năm học. Từ đó, hình thành ý thức quý trọng, giữ gìn, bản sắc văn hóa dân tộc.

Thầy Trần Đắc Huynh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Dạng, huyện Văn Bàn cho biết thêm: "Chúng tôi quan tâm chỉ đạo xây dựng môi trường học tập và ứng xử văn hóa cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục tập thể ngoài giờ lên lớp. Từ đó, tăng cường sự tự tin cho học sinh".

Được tham gia nhiều hoạt động giúp các em học sinh bán trú dần hình thành lối sống tự lập.

Năm học này, huyện Văn Bàn có hơn 26.400 học sinh, trong đó, gần 86% là người dân tộc thiểu số. Mạng lưới trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học.

Ông Đỗ Đăng Hảo, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cho biết: "Bên cạnh đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở vật chất như trường lớp học, nơi ăn, chỗ ở cho học sinh người dân tộc thiểu số ở bán trú, chúng tôi cũng quan tâm và giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho các cháu học sinh người dân tộc thiểu số".

Huyện Văn Bàn dành nhiều nguồn lực để chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số.

Được quan tâm, chăm lo toàn diện, các em đã coi trường học là ngôi nhà thứ 2 của mình. Tỷ lệ chuyên cần tăng, giảm số học sinh bỏ học. Từ đó, chất lượng giáo dục toàn diện vùng dân tộc thiểu số của địa phương ngày càng có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết