Chăm sóc nạn nhân da cam

21:47 10-08-2021 | :923

Laocaitv.vn - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những di chứng của nó thì vẫn dày vò biết bao thế hệ. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực chăm lo cho gia đình chính sách nói chung, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nói riêng với những việc làm ý nghĩa, đồng hành với nạn nhân chất độc da cam để làm vơi đi nỗi đau do chiến tranh để lại.

Nhập ngũ tháng 08/1973, ông Nguyễn Văn Dẻo tham gia giải phóng miền Nam. Trong những trận chiến kiên cường ấy, ông và nhiều đồng đội của mình đã ngấm vào trong người đòn thù của kẻ địch, để rồi sau hơn 40 năm, nó vẫn âm ỉ, đau quặn trong phổi, trong tim. "Khi chiến tranh kết thúc, vào các khu chiến trường thì mặt nạ phòng hộ của quân Mỹ vứt lại rất nhiều và chúng tôi được thông báo là có chất độc da cam", ông Nguyễn Văn Dẻo chia sẻ.

Thăm hỏi, tặng quà gia đình ông Nguyễn Văn Dẻo ở tổ dân phố Phú Cường 1, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng.

Tuổi cao, cộng thêm di chứng chiến tranh nên ông Dẻo thường xuyên nằm viện do bệnh nghẽn mạch phổi, tim. Trong khi đó, vợ chồng ông lại phải chăm 3 cháu nhỏ của người con trai và con dâu đã mất do bệnh tật. Hoàn cảnh gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Được sự hỗ trợ, động viên kịp thời của Hội Chữ thập đỏ, cấp ủy chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã giúp gia đình ông vơi bớt khó khăn, quên đi nỗi đau bệnh tật. "Ở tổ dân phố chúng tôi có trên 40 hộ nằm trong vùng quy hoạch, trong đó có gia đình bác Dẻo. Chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy chính quyền để thực hiện đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những người có công với cách mạng", ông Nguyễn Mạng Nguyên, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Phú Cường 1, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng cho biết thêm.

Hiện, toàn tỉnh Lào Cai có 1.692 nạn nhân chất độc da cam, trong đó đã thành lập được 14 Hội Nạn nhân chất độc da cam ở cấp xã, phường với hơn 500 hội viên. Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ hằng tháng của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng là nạn nhân da cam trên địa bàn. Ông Trịnh Biên Soạn ở tổ 8, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên xúc động chia sẻ: "Được các cấp hội da cam đến thăm hỏi, tặng xe lăn tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm. Tôi sẽ cố gắng rèn luyện sức khỏe để luôn là tấm gương cho con cháu noi theo".

Ông Bùi Sĩ Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Đảng và Nhà nước rất quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi có thể vượt qua những khó khăn hiện tại trong cuộc sống. Chúng tôi xin hứa luôn là những chiến sĩ hòa nhập cộng đồng, đưa xã hội ngày càng phát triển tốt hơn".

Tặng xe lăn cho ông Trịnh Biên Soạn - nạn nhân chất độc da cam ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên.

Thực hiện đầy đủ các chính sách cho người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam luôn là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, của mọi người trong toàn xã hội. Điều này không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với những người đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc mà còn để các thế hệ biết trân trọng, gìn giữ hòa bình, độc lập để hướng tới hạnh phúc, ấm no.

Bài, ảnh: Thào Sếnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết