Đồng chí Trương Hòa Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu địa phương.
Đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai, đồng chí Trịnh Xuân Trường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Giàng Mạnh Nhà – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Liêm – Phó Tổng thanh tra Chính phủ đã quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Theo đó, trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như: Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực hiện đúng và đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chưa làm hết trách nhiệm. Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý đời sống xã hội chưa đồng bộ, còn chồng chéo, vướng mắc, có nhiều kẽ hở; trình tự, thủ tục thực hiện còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc tiếp nhận phản ánh, góp ý, phê bình, tố cáo của người dân, cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước chưa được các cơ quan, đơn vị quán triệt, xây dựng thành kế hoạch để đưa vào thực hiện.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.
Để giải quyết những tồn tại hạn chế đó, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ tập trung một số giải pháp trọng tâm: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.
Trong những năm qua, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Lào Cai luôn được quan tâm và đạt được kết quả nhất định. 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra tỉnh, thanh tra các sở, ngành, huyện, thành phố tiến hành 25 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đối với 32 đơn vị. Toàn ngành thanh tra đã triển khai 77 cuộc thanh tra hành chính với 249 đơn vị; phát hiện 19 đơn vị vi phạm với tổng số tiền vi phạm trên 4,6 tỷ đồng, qua thanh tra đã thu hồi hơn 1 tỷ đồng số tiền vi phạm. Triển khai 115 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 76 tổ chức và 237 cá nhân có vi phạm với tổng số tiền gần 1,67 tỷ đồng; đã ban hành 459 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền xử phạt vi phạm gần 1,8 tỷ đồng. Xử lý 2 trường hợp người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, ngành chức năng tiếp nhận, giải quyết 2 đơn khiếu nại, tố cáo về tham nhũng; Công an tỉnh đã thụ lý điều tra 3 vụ với 5 bị can liên quan đến tham nhũng, Tòa án Nhân dân tỉnh thụ lý 3 vụ (đã giải quyết 2 vụ)...
Tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng đặc biệt là tham nhũng vặt. Đồng thời đề ra một số giải pháp, bài học kinh nghiệm, cách làm tốt trong PCTN, trọng tậm là PCTN vặt cũng như đề ra một số giải pháp để có thể khẩn trương triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao sự chuyển biến trong công tác PCTN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiều vụ án lớn được nhân dân đồng tình ủng hộ với phương châm “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vặt vẫn diễn ra ở nhiều cấp độ đang là vấn nạn của xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch phổ biến quán triệt, triển khai chương trình hành động để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Việc triển khai chỉ thị phải bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ "Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải gương mẫu đi đầu; phải coi PCTN vặt, nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, công tác. Trách nhiệm người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đối với công tác PCTN. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng ngay trong chính lực lượng thực thi công vụ, có cơ chế giám sát với các lực lượng thanh tra. Từng cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người dân; triển khai ghi hình, có bộ phận theo dõi, giám sát nơi tiếp nhân dân, doanh nghiệp; lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của người dân đối với cán bộ; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong phối hợp ngăn chặn, gắn với thực hiện công tác dân vận, thực hiện "Năm dân vận chính quyền 2019"./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết