Chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh

11:23 06-05-2019 | :345

Laocaitv.vn - Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025.

Mục tiêu là kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên địa bàn; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng và các hoạt động thương mại; ngăn chặn không để các nhánh, các chủng virus mới nguy hiểm xâm nhiễm và lây lan rộng.

Theo đó, phấn đấu tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn gia cầm thuộc diện tiêm. Xây dựng thành công các cơ sở, chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đáp ứng tiêu dùng trong tỉnh, xuất bán ra các tỉnh bạn, nước bạn, làm tăng giá trị gia cầm, sản phẩm của gia cầm. Góp phần giảm thiểu, hoặc không để phát sinh các ca bệnh cúm gia cầm ở người, do nhiễm các chủng virus cúm nguy hiểm (H5 và H7).

 

Người dân tăng cường biện pháp phòng ngừa bệnh cúm gia cầm.

Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới là thực hiện phân vùng nguy cơ cao xảy ra bệnh cúm gia cầm. Chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng. Xác định chính xác chủng loại virus cúm lưu hành để có cơ sở lựa chọn chủng loại vắc-xin phù hợp cho công tác phòng dịch bệnh cúm gia cầm. Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng. Tổ chức quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt là kiểm soát vận chuyển qua biên giới; tổ chức phòng, chống nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam; kiểm soát ấp nở gia cầm, kiểm soát giết mổ gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tập trung và đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi các cơ sở chăn nuôi gia cầm, sản xuất sản phẩm gia cầm an toàn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Các địa phương, các ngành liên quan cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và các biện pháp chủ động phòng bệnh.

Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh cúm gia cầm và hướng dẫn của cơ quan thú y, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; chi trả công tiêm phòng cho đàn gia cầm theo quy định.

Được biết, từ năm 2014 đến hết quý I năm 2019, bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại 10 xã, thị trấn thuộc các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát và Mường Khương làm hơn 40.000 con gia cầm bị mắc bệnh và phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Nguyễn Tâm


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết