Chủ động tầm soát phòng tránh bệnh đái tháo đường

15:11 29-11-2021 | :354

Laocaitv.vn - Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nặng nề như: mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Do vậy, mỗi người dân cần chủ động tầm soát để có phương hướng ngăn ngừa và điều trị hiệu quả.

Bà Hợp được các bác sỹ thăm khám, dặn dò tại phòng bệnh.

Hơn 10 năm mắc bệnh đái tháo đường, 3 năm trở lại đây bệnh của bà Lê Thị Hợp, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng diễn biến nặng hơn. Chỉ số đường huyết không kiểm soát được, hai chân phù nề, viêm loét, bà Hợp thường xuyên phải nhập viện điều trị. "Làm theo hướng dẫn của bác sĩ ăn uống điều độ đường huyết sẽ giảm, hàng tháng đi lấy thuốc về uống tại nhà, nếu nặng chân loét ra thì mới phải nằm viện để điều trị", Bà Lê Thị Hợp, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng tâm sự.

Bệnh nhân đang đợi đến lượt khám tại bệnh viện Nội tiết tỉnh.

Mỗi ngày bệnh viện Nội tiết tỉnh khám, thực hiện các xét nghiệm tầm soát đái tháo đường cho gần 200 bệnh nhân và điều trị nội trú cho trên 50 bệnh nhân đái tháo đường mắc các bệnh cấp tính, có chỉ số đường huyết cao không kiểm soát được bằng thuốc viên và bị biến chứng do đái tháo đường.

Bác sĩ Vũ Đình Phương, Khoa Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hoá, Bệnh viện Nội tiết tỉnh cho biết: "bệnh nhân vào viện các bác sỹ sẽ tiến hành dò liều, tiêm, duy trì đường huyết đạt mục tiêu. Khi kiểm soát được đường huyết sẽ giảm được các biến chứng như nguy cơ sơ vữa mạch máu, biến chứng thần kinh ngoại biến và hạn chế được các bệnh đi kèm".

Bệnh đái tháo đường có 2 type, type 1 hay gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Type 2 thường âm thầm tiến triển, không có triệu chứng do tình trạng tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng Insulin và rơi vào tình trạng thiếu Insulin. Bệnh đái tháo đường type 2 thường mắc ở đối tượng từ 30 tuổi trở lên, tuy nhiên hiện nay đang dần được trẻ hoá.

Chủ động tầm soát, khám sức khoẻ định kỳ để xét nghiệm máu, sàng lọc sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Bác sĩ CKI Nguyễn Quân Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh cho biết thêm: "tỷ lệ bệnh Nhi béo phì tăng, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, dẫn đến trẻ hoá, đái đường type 2 do chế độ ăn uống, luyện tập, tầm soát bệnh chưa thường xuyên, nên dẫn đến bệnh mắc rồi mới đi khám thì đã muộn".

Bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa, tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 2 có thể ngăn ngừa. Do vậy, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngăn ngừa tăng cân quá mức; hạn chế ăn thức ăn, đồ uống có đường; khuyến khích hoạt động thể chất. Đặc biệt là chủ động tầm soát, khám sức khoẻ định kỳ để xét nghiệm máu, sàng lọc sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Vân Anh - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết