Chuyện chiến đấu bảo vệ biên giới của những thợ mỏ Apatit

16:42 18-02-2019 | :1425

Laocaitv.vn - Đóng góp vào chiến thắng chung của dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước tại Lào Cai, không thể không nhắc tới các chiến sỹ tự vệ của mỏ Apatit Lào Cai (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Việt Nam).

Những công nhân, cán bộ của mỏ Apatit Lào Cai đã gác lại công việc thường ngày để cầm súng chống quân xâm lược, bảo vệ nhà máy, xí nghiệp và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
 
Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatit Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ. Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN

Cho đến bây giờ ông Trần Văn Thu, 69 tuổi, nguyên là Quản đốc đơn vị Vận tải ô tô không thể quên thời điểm ông nhận lệnh của ban lãnh đạo Mỏ chỉ huy đội tự vệ chốt giữ điểm cao của dãy Nhạc Sơn chặn quân xâm lược đánh vào thị xã Cam Đường và khu mỏ Apatit.

Ông Thu hồi tưởng: Thời đó tôi còn trẻ, là lính lái xe ô tô chở quặng trên khai trường nên khi chiến sự biên giới xảy ra, tôi và một số anh em trong đội được biên chế ngay vào đội tự vệ cơ động cùng các anh em tự vệ đơn vị Khai thác, Xí nghiệp sửa chữa cơ điện, Xí nghiệp xây lắp... tham gia cùng bộ đội và dân quân địa phương chốt giữ các mục tiêu quan trọng. Nói là trung đội tự vệ nhưng cả đơn vị hơn 40 người chỉ được trang bị mỗi người một khẩu súng trường K44 với vài quả lựu đạn và một cơ số đạn rất hạn chế chừng 50 viên. Lương thực mỗi người mang theo là một túi gạo rang khoảng 1 kg, một bi đông nước.

Trưa 17/2, Trung đội của ông Trần Văn Thu cùng một số đơn vị dân quân địa phương cơ động chiếm lĩnh điểm cao trên dãy Nhạc Sơn. Điểm chốt giữ chỉ cách trung tâm Mỏ khoảng 1.500m, cách bãi tập kết xe ô tô, máy xúc khoảng 2.000m. "Quyết tâm không thể để các phương tiện máy móc của Mỏ lọt vào tay giặc. Ý nghĩ ấy thôi thúc anh em tự vệ chúng tôi bám chốt, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Mỏ", ông Thu nói.

Sau khi hoàn tất hầm hào chiến đấu, ông Thu cùng anh em nhắc nhau kiểm tra súng đạn và sắp xếp lựu đạn tập trung quan sát mục tiêu phía trước. Khoảng 14 giờ cùng ngày, ở các chốt của đơn vị bạn bên cạnh đã vang lên tiếng súng, tiếng lựu đạn của tự vệ ta. Cùng lúc, ông Thu quan sát thấy ở cuối dốc, cách điểm chốt của trung đội ông khoảng 100m đã xuất hiện hàng ngàn bóng áo xanh tay lăm lăm súng dàn hàng ngang hung hãn leo dốc xông thẳng về phía cao điểm. Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ tâm thế sẵn sàng chiến đấu nhưng khi thấy quân giặc quá đông, mà anh em đồng đội mình lại quá mỏng, súng đạn thô sơ, hạn chế nên ông Thu không khỏi lo lắng. Giấu đi cảm xúc của mình, ông hô “Các đồng chí, vào vị trí chiến đấu!”.   

Hơn 4 giờ quần nhau với địch, Trung đội tự vệ vận tải của Trần Văn Thu đã đẩy lùi được 6 đợt tập kích của địch, bảo vệ được chốt, giữ chân địch để các đơn vị hậu cần phía sau sơ tán thiết bị máy móc theo đúng kế hoạch. Cả Trung đội có 43 người chỉ hy sinh một người. 

Với cơ số đạn có hạn, tương quan lực lương chệnh lệch, tối 17/2, Trung đội tự vệ vận tải được lệnh tạm rút để nhận nhiệm vụ mới. Đêm đó, một số anh em tự vệ được lệnh điều khiển những xe mới lui về tuyến sau, còn ông Thu và ông Nguyễn Văn Tuyển được phân công ở lại vừa làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội địa phương, vừa kết hợp với các chiến sỹ Tiểu đoàn Kiên Cường mới thành lập thực hiện chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh” tiêu hao sinh lực của chúng. 

Trong đêm 17 rạng 18/2, đã có hàng trăm xe ô tô được di chuyển về tuyến 2 an toàn. Những thiết bị lớn, cồng kềnh như máy xúc EKG, xe Benla mới nhập từ Liên Xô về không thể di chuyển được hầu hết đã bị quân xâm lược phá hủy hoặc tháo dỡ đem về nước trước khi rút chạy khỏi Lào Cai.

Bước sang tuổi 86, nhưng cả hai ông Đàm Huy Cận, nguyên Phó Quản đốc đơn vị vận tải Mỏ và ông Nguyễn Văn Thường, nguyên Phó Quản đốc đơn vị Khai thác Mỏ vẫn còn nhớ buổi sáng 17/2 cách đây tròn 40 năm. Đó là ngày hai ông được Ban lãnh đạo Mỏ giao nhiệm vụ phụ trách công tác hậu cần tiếp tế cho tự vệ các chốt, đồng thời điều chuyển một số xe làm phương tiện chở phụ nữ, người già và trẻ nhỏ sơ tán về tuyến 2.

"Vào khoảng 5 giờ, điện tắt, cả thị xã vùng mỏ Cam Đường cách cửa khẩu Lào Cai khoảng 12 km không ánh sáng, không loa đài. Bình thường 5 giờ đã nghe Đài truyền thanh Công nhân mỏ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng vào giờ ấy, các gia đình công nhân cũng dậy chuẩn bị cơm, bước vào ca sản xuất. Nhưng hôm đó cả khu Mỏ và thị xã Cam Đường chìm trong bóng tối đáng sợ, thi thoảng lóe chớp xanh và kèm theo tiếng nổ của đạn pháo từ dọc tuyến biên giới vọng lại mỗi lúc một mau. Với giác quan của người cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ, tôi nhận thấy chiến sự đã xảy ra, Trung Quốc đánh vào biên giới thật rồi", ông Đàm Huy Cận, nguyên Phó Quản đốc đơn vị vận tải Mỏ kể lại. 

Sau khi tích cực chuẩn bị lương thực cho anh em tự vệ với gạo rang đóng túi và bi đông nước, ông Cận và ông Thường xác định công tác hậu cần quan trọng nhất là việc sơ tán dân. Công tác này được kéo dài đến hết đêm 17, rạng sáng 18 cơ bản xong. Từ ngày 18 đến 20/2, đạn pháo của địch đã cày xới tung khu Mỏ. Sau đó, bộ binh, xe tăng của chúng đã xuất hiện nhiều nơi trên thị xã Cam Đường. 

Khoảng nửa tháng sau, khi bộ đội chủ lực của ta có mặt và tổ chức phản công mạnh mẽ đã đẩy lùi chúng về giáp biên. Chịu tổn thất nặng nề trên các mặt trận dọc tuyến biên giới phía Bắc, ngày 5/3/1979 địch tuyên bố rút quân về nước. Sau hơn hai tuần chiếm đóng khu Mỏ, quân xâm lược đã biến thị xã vùng Mỏ thành nơi hoang tàn đổ nát. Các khu công sở, nhà xưởng bị đốt phá, bị cướp bóc hoàn toàn, nhất là khu Câu lạc bộ - tổ hợp vui chơi của Công nhân Mỏ gồm rạp chiếu phim, Đài truyền thanh, Thư viện, phòng truyền thống, nhà thi đấu thể thao đều bị đánh sập. Hầu hết thiết bị máy móc trên các khai trường và trong kho đều bị chúng cướp phá. 

Cuộc chiến trên đất Mỏ Cam Đường chỉ diễn ra từ ngày 17/2 đến nửa đầu tháng 3/1979, nhưng ảnh hưởng của nó còn kéo dài đến 10 năm sau - năm 1989, khi hai nước ký Hiệp định bình thường hóa quan hệ. Trong suốt thời gian này, mỏ Apatit Lào Cai cũng như các địa phương, cơ quan, đơn vị dọc tuyến biên giới phía Bắc vừa sản xuất vừa phải sẵn sàng chiến đấu chống lại âm mưu phá hoại nhiều mặt của kẻ địch. 

Tròn 40 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới, lớp người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Mỏ, bảo vệ biên giới đã lần lượt hưu trí, thậm chí có người đã già yếu, từ biệt cõi trần. Theo thời gian, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô, Mỏ đã nhanh chóng được khôi phục và phát triển vượt bậc về mọi mặt. Thương hiệu Vinaapaco đã được cả nước biết đến và phát triển trên trường quốc tế. Công ty được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và được Nhà nước công nhận đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Theo Baotintuc.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết