Chuyển đổi ngành nghề khi dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế

06:28 01-07-2019 | :261

Laocaitv.vn - Khi mà dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, thì việc tái đàn lợn là khó có thể thực hiện, vì vậy nhiều hộ gia đình đã nhanh chóng chuyển đổi cách làm kinh tế mới, mong sao đảm bảo có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Thanh chuyển từ nuôi lợn sang nuôi bò, gà

Cũng vẫn là chăn nuôi, nhưng chuồng nuôi lợn trước kia giờ đã được chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Na Lin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương dùng để nuôi bò, gà. Sau hơn 1 tháng đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, chị Thanh đã sử dụng những đồng vốn cuối cùng để mua ba con bò và 100 con gà giống. Một sự khởi đầu mới cho những dự định của tương lai khi chưa thể tái đàn chăn nuôi lợn trở lại, chị Thanh hy vọng, khi nhận được nguồn hỗ trợ, sẽ có vốn để mở rộng quy mô. Chị Thanh chia sẻ: "Nông thôn thì chẳng có việc gì để làm, tôi nghĩ chắc chuyển sang nuôi bò, gà cũng hiệu quả nên gia đình tôi nuôi thử, nếu có tiền hỗ trợ của Nhà nước mà chưa được tái đàn lợn thì tôi mua thêm trâu, bò về nuôi cho bõ công chăm sóc".

Xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai, địa phương đầu tiên của tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên quy mô cấp xã, nông dân cũng chưa thể tái đàn. Trước đó hơn một tháng, gia đình chị Tráng Thị Dợ, thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai có 19 con lợn phải tiêu hủy do dịch tả châu Phi, tất cả đều là lợn giống mới được gia đình mua về nuôi, từ hôm tiêu hủy đến nay, gia đình vẫn đang thực hiện rắc vôi khử trùng để khi tỉnh công bố hết dịch sẽ nuôi lợn trở lại. Mong muốn lớn nhất hiện nay của bà con là sớm có nguồn hỗ trợ để có thêm tiền chăm sóc ruộng lúa, nương ngô và cải tạo vườn mận Tả Van để năm sau cho quả tốt hơn. Chị Tráng Thị Dợ cho biết: "Năm nay, mận Tả Van bị mất mùa, quả ít lắm. Bà con chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm hỗ trợ để có tiền chăm sóc vườn mận, bây giờ chưa nuôi lợn được, vì thấy bảo là ở xung quanh chưa hết dịch, thế thì trồng lúa, trồng rừng và chăm sóc mận thôi. Lợn chết cả cũng lo không có gì để nuôi con đi học".

Sắp tới, phương thức chăn nuôi phải được tiến hành theo mô hình trang trại khép kin, đảm bảo an toàn sinh học

Đến thời điểm hiện tại, mới có 2 huyện là Bảo Thắng và Bảo Yên thực hiện hỗ trợ các hộ dân có lợn bị chết do dịch tả châu Phi. Dịch bệnh nguy hiểm này đã buộc các địa phương trong tỉnh phải tiêu hủy gần 390 tấn lợn, tính đến thời điểm hiện tại, làm suy giảm khoảng 1,8% tổng đàn lợn của toàn tỉnh. Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan mạnh, vì thế, tại thời điểm dịch bệnh lây lan, tuyệt đối người dân không tái đàn. Bác sỹ Thú y Nguyễn Đình Tâm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: "Trong thời gian tới, phương thức chăn nuôi phải được tiến hành theo mô hình trang trại khép kin, đảm bảo an toàn sinh học, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không khuyến khích, để giảm tải đàn lợn và đảm bảo an toàn hơn trong chăn nuôi".

Trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa có chiều hướng lắng xuống thì những hộ dân mạnh dạn chuyển đổi hướng làm ăn là cần thiết. Về lâu dài, người dân cần thay đổi thói quen chăn nuôi, đó là chăn nuôi theo hướng tập trung, sản xuất theo hướng liên kết, giảm bớt chi phí các khâu trung gian; liên kết ngang giữa những người chăn nuôi với các cơ sở cung cấp thức ăn, vật tư thú ý; liên kết dọc đối với doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định và hạn chế dịch bệnh phát sinh.

 Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết