Cơ hội cho nhiều trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng

14:37 03-04-2019 | :880

Laocaitv.vn - Từ một cô bé sống khép kín vì bị bỏng nặng nửa mặt và vùng ngực, từ khi được sự hỗ trợ phẫu thuật của các tổ chức xã hội, cô bé Yên 8 tuổi ở Lào Cai đã thành một người khác hẳn, năng động và tươi vui.

Cô bé Yên, 8 tuổi, cái tên mang ý nghĩa của sự yên bình, thế nhưng, cuộc sống của Yên lại không được như vậy. Yên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo của huyện Bảo Yên, Lào Cai. Mẹ của em vẫn cứ mãi đau đớn và ân hận vì đã để con gái nằm trên nôi gần nồi nước đang sôi. Cô bé bị bỏng nặng, hủy hoại hoàn toàn nửa mặt và vùng ngực bên trái.

Đến khi đi học, Yên là đứa trẻ nhút nhát nhất trong lớp, em cảm thấy ngại ngùng với thầy cô và bạn bè vì khuôn mặt biến dạng của mình. Em cũng không dám giơ tay phát biểu vì khả năng nói của em cũng bị cản trở một phần. Thế nhưng, em vẫn mơ ước được hoà đồng với bạn bè, với cộng đồng và xã hội. Ước mơ nhỏ bé của em là được trở thành một cô bán hàng trong thôn, ngày ngày được cười nói và sẻ chia những câu chuyện đời thường với mọi người xung quanh.

Năm 2017, với sự hỗ trợ từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Yên đã được phẫu thuật ở vùng cằm và hàm. Chỉ ba tháng sau phẫu thuật, Yên đã có thể cử động cơ mặt dễ dàng hơn. Em trở nên năng động và tươi vui hơn cả ở nhà và ở trường. Sau khi được trang bị các kĩ năng dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, các cô giáo của Yên đã quan tâm và giúp đỡ em nhiều hơn. 

dieu ky dieu bien co be bi bong nua mat thanh con nguoi khac hinh 1
 
Sau phẫu thuật, bé Yên đã trở nên năng động và tươi vui hơn.

Còn Tài là con thứ 4 trong một trong một gia đình dân tộc Dao nghèo khó tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Mẹ em kể, sau một trận ốm nặng khi còn bé, vì nhà không có điều kiện chạy chữa, đôi chân của em đã gần như bị liệt.

Để giúp Tài tập đi, bố em đã treo rất nhiều dây lên tất cả các cột kèo trong nhà để em bám vào từng bước. Sáu tuổi, Tài nhỏ hơn hẳn so với các bạn đồng trang lứa, chân vẫn đi khập khiễng, nhưng em đã rất tự tin và hạnh phúc khi được trở thành một thầy giáo thực thụ, như trong ước mơ của mình.

Cánh tay trái bị dị tật bẩm sinh không làm khó được cậu bé Toàn. Mới 6 tuổi đã là anh lớn của hai đứa em nhỏ, gia đình ba thế hệ sống trong một căn nhà tranh thưa vách, gió lùa từng chặp, khiến Toàn phải tự lập, tự xoay sở với sinh hoạt hàng ngày của mình. Em mơ ước lớn lên được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà, bố mẹ.

Trong năm 2018, Toàn đã được đưa đi khám ở bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Bởi việc phẫu thuật tay trái của em đòi hỏi nhiều quy trình phức tạp, Toàn cũng như gia đình đang chờ đợi ý kiến từ các chuyên gia nước ngoài trước khi được chính thức nhận điều trị.

Theo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hiện có khoảng 1,2 triệu trẻ em bị khuyết tật, và chỉ 24.2% trong số các em đi học. Dù được các trường học đón nhận, gần 33% trong số các em đã đăng kí nhập học buộc phải nghỉ do trường thiếu các điều chỉnh phù hợp cũng như hỗ trợ cần thiết để giúp các em vượt qua những trở ngại trong quá trình học tập.

Những đứa trẻ như Tài, Yên, Toàn và Bảo đang nhận được những lợi ích đáng kể từ việc thực hiện Kế hoạch học tập cá nhân tại trường học của mình. Kế hoạch học tập cá nhân (IEP) cho trẻ khuyết tật, đưa Bộ công cụ hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt (SNAP) vào ứng dụng trong trường học được Dự án về Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật (một phần của chương trình “Phát triển Cộng đồng lấy Trẻ em làm Trọng tâm của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em”) được thực hiện ở Lào Cai từ năm 2016. Chương trình có mục tiêu xây dựng và nâng cao năng lực cho giáo viên trong công tác giáo dục hòa nhập, hỗ trợ trẻ bị khiếm khuyết về thể chất và tinh thần, cũng như nâng cao nhận thức cho gia đình và cộng đồng về các quyền cơ bản của trẻ khuyết tật.

Toàn mơ ước lớn lên được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà, bố mẹ.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Yên, Lào Cai cho rằng, “sau khi được tập huấn kỹ năng để hướng dẫn trẻ khuyết tật, các thầy cô trong các nhà trường đã thực hiện rất tốt các phương pháp cũng như các kỹ năng đó để vận dụng vào dạy học cho trẻ khuyết tật hòa nhập trong các lớp học, đảm bảo các hoạt động giáo dục trong nhà trường nói chung, cũng như đối với chất lượng học sinh khuyết tật nói riêng. Đối với chính bản thân các em học sinh khuyết tật cũng khắc phục được những khó khăn của bản thân mình để bắt kịp với các học sinh còn lại, và thực hiện các hoạt động giáo dục toàn diện theo yêu cầu”.

Theo ông Tuân, 6 năm là một khoảng thời gian tương đối dài, hỗ trợ giáo dục trong việc phát triển trẻ khuyết tật ở huyện đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt là đã có sự chuyển biến rõ rệt trong việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các nhà trường. Trong thời gian qua, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã hỗ trợ hơn 10 trẻ khuyết tật của huyện Bảo Yên đi khám và chữa các bệnh dị tật. Sau khi trở về các em đã có thể hòa nhập với cộng đồng và tham gia vào các hoạt động giáo dục rất tốt, đảm bảo sức khỏe và tiến gần hơn với các em học sinh bình thường.

Chương trình Phát triển Cộng đồng lấy Trẻ em làm Trọng tâm đã được triển khai tại tỉnh Lào Cai vào năm 2013. Đây là một chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện và dài hạn với mục đích tạo cơ hội phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần cho trẻ em thiệt thòi thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe và giáo dục có chất lượng và bền vững cho trẻ cũng như gia đình và cộng đồng. Chương trình đang và sẽ cùng người dân và chính quyền địa phương xác định những vấn đề khó khăn và tìm cách giải quyết.

Hiện nay, chương trình đã triển khai các hoạt động tại cộng đồng thuộc 23 xã thuộc 5 huyện của tỉnh Lào Cai, bao gồm huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, và Văn Bàn.

Chương trình dự kiến kéo dài trong vòng 10 năm, từ năm 2013 đến 2022. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã đem lại lợi ích cho hơn 53.000 người dân của tỉnh lào Cai; trong số này có hơn 27.000 trẻ em.

Những can thiệp của Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác nâng cao nhận thức, điều chỉnh thái độ và hành vi của trẻ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và bậc phụ huynh về giáo dục hòa nhập tại trường cũng như tại nhà. Trong năm 2017, giáo viên mầm non và tiểu học từ các trường trong vùng dự án đã tham gia vào các buổi tập huấn về bộ công cụ SNAP và IEP cho trẻ có nhu cầu đặc biệt./.

T.T/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết