Laocaitv.vn - Kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà vào tháng 12 năm 1996 đến nay, Lào Cai có 2.400 người nhiễm HIV/AIDS (Không kể số người trong nhóm nguy cơ cao). Với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam là một tỉnh có nguy cơ cao về HIV/AIDS của Trung Quốc, Lào Cai xác định công tác phòng chống HIV/ AIDS càng trở nên nóng bỏng hơn...
Quang cảnh buổi Lễ phát động tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2017. (Ảnh: Lan Anh)
Đại dịch HIV/AIDS đã trở thành mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Vi rút HIV không từ một ai, nó luôn rình rập ở tất cả các vùng từ thành thị, nông thôn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo qua các đường lây truyền khác nhau. Nếu thiếu hiểu biết về căn bệnh tai quái này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.
Đại dịch HIV cảnh báo với tất cả các quốc gia, cộng đồng dân cư rằng luôn luôn phải cảnh giác, không được chủ quan, chỉ cần lơ là hay sơ xảy một chút sẽ mắc phải. Hàng năm, căn bệnh quái ác này cướp đi hàng triệu sinh mạng trên thế giới. Ngay ở Việt Nam, những người nhiễm HIV/AIDS cũng gia tăng qua các năm ở con số đáng báo động. Theo số liệu thống kê của Cục phòng chống HIV (Bộ Y tế), đến thời điểm này, Việt nam có 210 nghìn người nhiễm HIV, trong đó có 1959 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 10 nghìn 882 người đã tử vong do HIV/AIDS từ đầu vụ dịch đến nay.
Những rủi ro do tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không là những tai nạn hy hữu có thể do trục trặc kỹ thuật, không làm chủ tốc độ và một số điều không may dẫn đến tử vong. Hàng năm, thiên tai, bão lũ trên thế giới cướp đi những mạng sống con người chỉ xảy ra ở từng thời điểm nhất định. Còn đại dịch HIV/AIDS nếu không được quan tâm, chăm sóc tốt sẽ cướp đi hàng loạt sinh mạng con người ở bất cứ thời điểm nào. Cho nên phòng chống HIV/AIDS là công việc hết sức quan trọng và cần thiết với tất cả các quốc gia, cộng đồng và gia đình. Cuộc chiến 25 năm phòng chống HIV/ AIDS ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với những người bị nhiễm HIV đều được chăm sóc tử tế và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị, tạo điều kiện cho những người này phát huy tính tích cực và trở thành những tuyên truyền viên đồng đẳng có ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng và xã hội.
Đoàn xe diễu hành cổ động nhân tháng hành động phòng chống HIV/AIDS năm 2017 (Ảnh: Lan Anh)
Với chủ đề: “Xét nghiệm HIV sớm-Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm làm cho mọi người hiểu sâu sắc và nâng cao nhận thức hơn với đại dịch HIV. Theo thông tin từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lào Cai, thì chủ đề năm nay thể hiện sự quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương trong cả nước. Mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020” là một bước đi mới, sát hợp với thực tế của đại dịch này và hướng tới kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Kiểm soát tốt người nhiễm HIV/AIDS thực sự là xây dựng một xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc. Ngoài việc ngăn chặn có hiệu quả việc lây lan do HIV, toàn xã hội kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tận gốc tệ nạn mại dâm, ma túy. Bởi vì tệ nạn mại dâm, ma túy là con đường nhanh nhất dẫn đến mắc phải căn bệnh HIV. Khi một xã hội lành mạnh không có tệ nạn xã hội thì tất nhiên sẽ không còn tồn tại HIV/AIDS. Như vậy, quyền con người sẽ được đảm bảo tốt hơn khi nhận thức có sự thay đổi, thái độ và hành vi từ lãnh đạo các cấp đến các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân không có sự kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV mà tập trung chăm sóc, hỗ trợ, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người. Đó thực sự là những hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ quyền con người đối phó với đại dịch HIV/AIDS. Khi đã có giải pháp hữu hiệu thì việc đẩy lùi sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng sẽ đạt được những điều như mong muốn.
Ở Lào Cai, sau hơn 20 năm phòng chống đại dịch HIV/AIDS, chúng ta cũng đạt được những kết quả nhất định. Công tác chăm sóc người nhiễm HIV có sự quan tâm của cả cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc căn bệnh này xóa đi những mặc cảm bản thân để tiếp tục sống có ích cho gia đình và cho xã hội. Dù đã có nhiều cố gắng, song Lào Cai cũng không nằm ngoài vòng xoáy của căn bệnh quái ác này. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại xã Cốc Lầu huyện Bắc Hà vào tháng 12 năm 1996 đến nay, Lào Cai có 2400 người nhiễm HIV/AIDS (Không kể số người trong nhóm nguy cơ cao). Với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam là một tỉnh có nguy cơ cao về HIV/AIDS của Trung Quốc, Lào Cai xác định công tác phòng chống HIV/ AIDS càng trở nên nóng bỏng hơn. Trong kế hoạch 273 ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai phòng chống căn bệnh này cũng rất chi tiết, giao cho các ngành có trách nhiệm cùng với cộng đồng làm tốt hơn công tác phòng chống HIV. Rất nhiều các hoạt động được triển khai ở tất cả các địa bàn trong tỉnh. 26 xã, phường biên giới cũng được quan tâm đặc biệt về công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, hội đàm, giao lưu văn nghệ hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV giữa thành phố Lào Cai của Việt Nam với huyện Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Cung cấp tài liệu phòng chống HIV/AIDS cho người dân (Ảnh: Lan Anh)
Khi có sự chung tay góp sức vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các tổ chức, hệ thống chính trị và cả cộng đồng, thì đại dịch HIV/AIDS không còn là nỗi lo của mọi người. Khi có sự hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này, chúng ta sẽ hạn chế tối đa số người mắc phải. Khi có bàn tay chăm sóc của cả cộng đồng thì những người nhiễm HIV/AIDS sẽ được giải tỏa về tâm lý, tiếp tục cùng với cộng đồng làm tốt hơn trách nhiệm công dân của mình, không còn mặc cảm, xa lánh và tách khỏi cộng đồng.
Với chủ đề: “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, tháng hành động Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS ở Lào Cai năm 2017 được đẩy lên ở mức cao hơn. Mục tiêu cuối cùng là dành được nhiều thành công và kết quả, loại HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng, đi đến kết thúc dịch HIV ở Việt Nam vào năm 2030./.
Nguyễn An Chiến
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết