Cựu du học sinh Thụy Điển: “Làm hồ sơ du học là quá trình bán thân“

07:51 30-09-2019 | :347

Laocaitv.vn - "Mình vẫn ví việc làm hồ sơ apply học bổng như một bức tranh tự họa về con người bạn với nhiều màu sắc riêng biệt để hội đồng xét tuyển hiểu hơn về bạn".

Đó là chia sẻ của Ths Vương Loan, cựu du học sinh tại Bồ Đào Nha, Na Uy, Thụy Điển trong chương trình Ngày hội giáo dục Châu Âu vừa diễn ra tại Hà Nội do Liên minh Châu Âu tổ chức.

Từng dành học bổng toàn phần Eramus, Vương Loan đã có 2 năm học thạc sĩ về ngành Công tác xã hội tại 3 quốc gia khác nhau gồm Bồ Đào Nha, Na Uy, Thụy Điển. Chia sẻ về những năm du học tại trời Âu, Loan cho biết: “Mình vẫn nói rằng du học không phải là đích đến, mà chỉ là một nấc thang để bạn có tầm nhìn cao rộng hơn, từ đó bạn có thể sải bước trên con đường mình đã chọn. Nhưng thú thực rằng, 2 năm tới châu Âu, mình đã có những trải nghiệm thực sự tuyệt vời, theo đúng nghĩa “open your mind”. Trải nghiệm đó không chỉ đơn giản là kiến thức, học thuật, mà mình còn có cơ hội cảm nhận những cách sống khác nhau ở nhiều quốc gia, nét văn hóa đa dạng. Đó cũng là khoảng thời gian mình có thêm nhiều bạn bè từ khắp nơi trên thế giới”.

Các diễn giả là các cựu du học sinh chia sẻ tại hội thảo. 

Chia sẻ về kinh nghiệm dành học bổng, Vương Loan cho rằng, để lựa chọn được chương trình học bổng phù hợp là câu hỏi của nhiều sinh viên. “Chương trình đó phải đảm bảo phù hợp với sở thích, thế mạnh, giống như gặp được đối tác tiềm năng đáng để bạn đầu tư công sức và thời gian. Bạn có thể không phải là người giỏi nhất, nhưng nếu bạn thể hiện được mình là người phù hợp nhất thì cơ hội vẫn sẽ thuộc về bạn.

Để tiết kiệm công sức và thời gian, theo mình, bạn không nên rải hồ sơ hàng loạt nhiều chương trình học bổng khác nhau mà nên lựa chọn đầu tư vào những chương trình học mà hồ sơ của bạn có thể đáp ứng được trên 50% những yêu cầu của khóa học bổng”, Vương Loan chia sẻ.

Bước tiếp theo sau khi tìm được chương trình phù hợp và bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ học bổng. Từ kinh nghiệm của bản thân, Vương Loan cho rằng, sinh viên không nên chỉ tập trung vào mỗi bộ hồ sơ, mà đó là cả quá trình để tự tìm hiểu bản thân, hãy suy nghĩ về việc điều gì thôi thúc bạn muốn trở thành sinh viên du học tại trường đó. Bộ hồ sơ xin học bổng chỉ là phần gói gọn lại cả một hành trình tìm kiếm hướng đi cho bản thân và một kế hoạch được đầu tư nhiều công sức để đạt được điều bạn thực sự muốn.

Ví một bộ hồ sơ như một bức tranh tự họa, vẽ lên chân dung của bản thân ứng viên dưới nhiều góc độ, màu sắc riêng, cựu du học sinh này cho rằng, qua đó, hội đồng sẽ tìm hiểu và cân nhắc xem ứng viên đó có phải là người họ đang tìm kiếm hay không: “Giống như những người họa sĩ trước khi cẽ tranh cần phác họa bố cục, lựa chọn màu sắc chủ đạo. Bạn cũng cần hình dung ra những đặc điểm mà bạn muốn hội đồng nhìn thấy ở mình.  Đó có thể là sự ham học hỏi, am tường về lĩnh vực chuyên môn, đam mêm theo đuổi sự nghiệp, khả năng lãnh đạo hay niềm trăn trở kiến tạo nên điều gì đó tốt đẹp hơn.

Khi đã hình dung ra bố cục và màu sắc bạn muốn sử dụng trong bức tranh “tự họa”, bước tiếp theo nên lên kế hoạch về việc vẽ gì, ở đâu. Hay nói cách khác bạn nên khen gì về bạn và để người khác khen gì về bạn. Điều này sẽ giúp hồ sơ của bạn có sự khách quan nhất định và tránh nhàm chán khi cùng lặp đi lặp lại những thông tin không cần thiết.

Trừ trường hợp chương trình yêu cầu làm theo một mẫu CV nhất định. Nhiều bạn vẫn nghĩ rằng nộp hồ sơ cho các trường châu Âu thì phải theo mẫu CV Europass nhưng thực tế là không nhất thiết. Bạn có thể sử dụng mẫu nào tùy ý, miễn là đảm bảo được các thông tin cơ bản.  CV nên ngắn gọn và không dài quá 2 trang”.

“Mình không thích dich từ “apply” học bổng là xin học bổng, mà hiểu là sự lựa chọn chủ động của người nộp hồ sơ. Cách nghĩ này cho mình tâm thế của người tự tin lựa chọn con đường mình đi chứ không phải một kẻ yếu thế mong cầu ai đó trao cho mình cơ hội. Bạn có khả năng, bạn tin mình phù hợp, chương trình cũng sẽ tìm những ứng viên phù hợp nhất.

Quá trình làm hồ sơ là quá trình "bán thân" và cũng là quá trình bạn hiểu hơn về bản thân, tự làm rõ những ngẫm nghĩ về hành trình phát triển từ quá khứ đến hiện tại, tương lai. Đây cũng là quá trình để bạn tự đánh giá và nghe người khác đánh giá về những điểm mạnh, hạn chế của mình”, Vương Loan nói.

Lưu Thùy Nhung, từng học thạc sĩ theo học bổng toàn phần của Chính phủ Ireland chia sẻ, sinh viên có mong muốn tìm học bổng, nên chủ động tìm hiểu thông tin về các học bổng qua các fanpage, hoặc trực tiếp qua các cựu du học sinh. “Mình thấy khá nhiều bạn băn khoăn trong việc lựa chọn ngành học. Việc này phụ thuộc vào định hướng cá nhân. Nhưng với những bạn muốn apply học bổng Chính phủ, thì cần xem ngành học của mình mong muốn có trong danh mục nhận học bổng hay không. Như tại Úc, học bổng chính phủ sẽ không có ngành marketing, như vậy, bạn nên chọn những ngành học gần giống hoặc có liên quan nhiều nhất đến ngành mình mong muốn cũng như cơ hội việc làm sau này.

Khi làm hồ sơ, các bạn sẽ gặp phải những câu hỏi như tại sao bạn lại chọn ngành học này, mục tiêu sau khi học xong là gì, bạn có thể đóng góp gì cho đất nước. Không ai là người toàn diện, vậy nên bạn đừng ngại thể hiện rằng mình có những kỹ năng, điểm mạnh, tuy nhiên vẫn có những thiếu sót và sẽ hoàn thiện trong khóa học”./.

Nguyễn Trang/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết