Đã đến lúc nghĩ về đô thị

14:06 06-11-2018 | :969

Laocaitv.vn - Sắp tới “Ngày đô thị hóa thế giới” và “Ngày đô thị Việt Nam” 08/11/2018, mỗi chúng ta - những người sống trong đô thị hãy nhận thức, tham gia các hoạt động hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị hôm nay và mãi mãi về sau.

Ngày đô thị - Urban Day

Thế giới đã lấy ngày 08/11 hàng năm là “Ngày đô thị hóa thế giới” do giáo sư Carlos Maria Della Paolera, trường Đại học Buenos Aires đề xuất năm 1949. Mục tiêu chung của “Ngày đô thị hóa thế giới” là để công nhận, tôn vinh vai trò của công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhằm tạo nên những đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc; một cộng đồng đô thị hoàn thiện hơn và phát triển bền vững.

Cách đây mười năm, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 20/10/2008 công nhận ngày 08/11 hàng năm là “Ngày đô thị Việt Nam”. Ý nghĩa của “Ngày đô thị Việt Nam” nhằm động viên và thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và chính quyền các đô thị, các nhà quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, các nhà đầu tư phát triển đô thị, các nhà khoa học, các chuyên gia và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tích cực tham gia vào công tác xây dựng và phát triển đô thị với tâm huyết cũng như tinh thần trách nhiệm lớn nhất cho sự phát triển bền vững của đô thị Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau.

 

Thách thức của đô thị - Urban development

Các tác động phát triển đa dạng của đô thị hóa là quy luật và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các thách thức của đô thị đã đặt ra và thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của cả xã hội. Suy giảm tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường, cũng như tác động của biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn các vấn đề của đô thị. Cây xanh giảm, các khối bê tông nở phình ngột ngạt, tăng nhiệt độ không thí, sự sụt lún nền địa chất và mất kiểm soát chống ngập nước… đang là thách thức chung căn bản của nhiều đô thị.

Trong vòng hơn 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa với tăng trưởng dân số đô thị nhanh chưa từng thấy tại nhiều thành phố ở Việt Nam đã kéo theo quá nhiều hệ lụy, và biến những thách thức tiềm tàng hồi đầu thế kỷ trở thành khó khăn hiện diện.

Các vấn đề về nghèo đói và nghèo đói tiềm năng ở đô thị do mất đất nông nghiệp đã và đang trở thành vấn nạn, làm gia tăng khoảng cách mức thu nhập, mức sống ở một bộ phận nông dân bị thu hồi đất và tái định cư phải trở thành thị dân so với mặt bằng chung cộng đồng dân cư đô thị. Vấn đề chuyển đổi và ổn định sinh kế theo nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính, sức khỏe và trình độ lao động chưa bao giờ hết yêu cầu cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa.

Tại các đô thị lớn, đô thị tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp cũng đang xuất hiện rất nhiều người lao động cùng với người không có việc làm cố định, thiếu khả năng được tiếp cận với nhà ở, dịch vụ đô thị và cơ sở hạ tầng. Những người thiếu chỗ ở luôn phải đối mặt với các vấn đề bức xúc khác của đô thị như không gian an toàn, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường…

 

Đã đến lúc nghĩ về đô thị - Time to think urban

Từ các vấn đề nêu trên, các thách thức thế kỷ trong phát triển đô thị đã được Liên Hợp Quốc đặt ra gồm 8 vấn đề phải suy nghĩ về phát triển đô thị là: Đô thị hóa nhanh; nghèo đói đô thị; mất đất nông nghiệp; thiếu tiếp cận với nhà ở, dịch vụ đô thị và cơ sở hạ tầng; tắc nghẽn và ô nhiễm; suy giảm tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường; an toàn trong đô thị; tác động của biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn các vấn đề của đô thị.

Thế giới đã định hình rõ các lĩnh vực tác động mạnh đến thách thức ở đô thị là: Pháp lý, đất đai và quản trị đô thị; quy hoạch và thiết kế đô thị; kinh tế đô thị; các dịch vụ cơ bản của đô thị; nâng cấp nhà ở và các khu ổ chuột; giảm thiểu khả năng hồi phục; nghiên cứu đô thị và nâng cao năng lực.

Các vấn đề gây ra sự cố đô thị phổ biến tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã được nghĩ đến, trong phạm vi nguồn lực có hạn các chuyên gia đang đề xuất hướng sự chú trọng vào các giải pháp chính liên quan đến cấu trúc đô thị như: Nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm; giao thông đô thị không bền vững dẫn đến tắc nghẽn và thiệt hại về kinh tế, xã hội; mô hình đô thị nén, sử dụng đất hỗn hợp, lồng ghép giữa quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất cho lưu thông bền vững.

 

Chiến dịch đô thị thế giới – World urban campaign

Chiến dịch đô thị thế giới đã được Liên Hợp Quốc phát động trong nhiều năm và luôn còn nguyên giá trị cho sự hiệp lực, tri thức và các giải pháp hướng tới phát triển bền vững. Các sáng kiến nâng cao nhận thức của chiến dịch đô thị thế giới với tư duy “tôi là người thay đổi thành phố” nêu cao khẩu hiệu hành động là:

+ Nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người;

+ Không có nhà ổ chuột - điều kiện sống tốt hơn cho dân cư khu ổ chuột và không hình thành các khu ổ chuột mới;

+ Không có loại trừ - công bằng cho những nhóm người dễ bị tổn thương ở đô thị;

+ Quy hoạch thành phố cho thế hệ tương lai;

+ Hãy cùng đi bộ, cùng đạp xe đạp;

+ Thành phố có khả năng tự hồi phục và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sắp tới “Ngày đô thị hóa thế giới” và “Ngày đô thị Việt Nam” 08/11/2018, mỗi chúng ta - những người sống trong đô thị hãy nhận thức, tham gia các hoạt động hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị hôm nay và mãi mãi về sau. Đã đến lúc nghĩ về đô thị!

Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết