Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

15:34 31-12-2020 | :357

Laocaitv.vn - Công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều kết quả, góp phần cải thiện và thúc đẩy thụ hưởng các quyền con người và quyền công dân.

Vượt gần 30 cây số, chị Lò Mùi Ghện, xã Cốc Mỳ có mặt tại Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 6 huyện Bát Xát, với mong muốn được tư vấn, trợ giúp về những vướng mắc trong việc đính chính thông tin ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giống như chị Ghện, với nhiều người còn chưa đọc thông, viết thạo thì việc nắm bắt những thông tin, quy định của pháp luật là việc hết sức khó khăn. Vì vậy, những thông tin, hướng dẫn của cán bộ trợ giúp pháp lý sẽ giúp chị Ghện tháo gỡ được những khó khăn đó. Chị Lò Mùi Ghện chia sẻ: “Tôi đến đây đã nhiều lần rồi, lần này là lần thứ 4 và các chị luôn rất nhiệt tình tư vấn. Tôi cũng giới thiệu với bạn bè là có gì không biết thì ra chỗ trợ giúp pháp lý này để các chị tư vấn cho”.

Cán bộ trợ giúp pháp lý tư vấn cho chị Lò Mùi Ghện những vướng mắc trong việc đính chính thông tin ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Trung bình mỗi năm, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 6 tại huyện Bát Xát tiếp và trợ giúp cho hàng trăm trường hợp người dân, trong đó đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chi nhánh cũng đã thực hiện nhiều đợt truyền thông tại cơ sở về Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình. Trung tâm sẽ tiến hành tư vấn, giải đáp trực tiếp vướng mắc của người dân liên quan đến pháp luật, phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý và cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời... Chị Nguyễn Thị Hương Thủy, Trưởng Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 6 huyện Bát Xát cho biết: “Qua truyền thông thì người dân họ biết nhiều hơn về trợ giúp pháp lý nên hầu như ngày nào cũng có người đến trung tâm. Chúng tôi lên kế hoạch truyền thông mỗi năm, kết hợp với chính quyền các địa phương để tuyên truyền đến người dân nên người dân cũng nắm bắt được về hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn".

Từ năm 2018 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện trên 2.000 vụ việc, gồm hơn 920 vụ việc tố tụng và hơn 1.100 vụ việc tư vấn pháp luật tại cơ sở. Trong 2 năm 2018 và 2019, cũng đã có hơn 400 đợt truyền thông về các xã nghèo, các thôn, bản đặc biệt khó khăn và địa bàn có nhiều vướng mắc nổi cộm, với hơn 14.000 lượt người tham dự. Những con số trên đã phần nào chứng minh được nỗ lực của các cán bộ trợ giúp pháp lý trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp, bảo vệ quyền công dân, nhất người dân tộc thiểu số. Bà Trần Thị Chinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai cho biết: “Khi các cơ quan tố tụng thông báo tới trung tâm thì các trợ giúp viên của trung tâm rất tích cực, nhiệt tình, thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra, nhất là các vụ việc cần có bào chữa viên, cần trợ giúp ngay như vụ án ma túy, giết người, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”.

Qua thực tế cho thấy, số người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự, dân sự phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người không biết chữ, không thông thạo tiếng phổ thông và thiếu hiểu biết về pháp luật nên dễ bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Những tồn tại này là trăn trở của những cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý và cũng là động lực để họ thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thu Hường - Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết