Đào tạo nghề - giải pháp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

09:01 03-11-2023 | :409

Laocaitv.vn - Nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp được xem là một giải pháp quan trọng, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại huyện Bắc Hà, công tác đào tạo nghề được thực hiện linh hoạt và phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Qua đó, giúp người lao động dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Người dân Dì Thàng tham gia lớp học nghề xây dựng được mở ngay tại thôn.

Lớp đào tạo nghề xây dựng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Hà mở tại thôn Dì Thàng, xã Thải Giàng Phố. 20% thời gian của khóa học để học lý thuyết, còn lại là thực hành. Với đặc thù học viên đều là người dân tộc thiểu số, chưa từng tiếp xúc với hoạt động xây dựng, việc tăng thời gian thực hành theo kiểu “cầm tay, chỉ việc” giúp học viên tiếp thu kiến thức nhanh và chắc hơn. "Tham gia lớp học được các thầy hướng dẫn về đọc bản vẽ, kỹ thuật xây dựng. Mình đang định sẽ rủ thêm vài người để cùng đi nhận các công trình lớn hơn ở trong thôn và khu vực lân cận. Từ đó, giúp tăng thu nhập cho anh em", anh Vàng Seo Hồ, thôn Dì Thàng, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà chia sẻ.

Việc đào tạo nghề cho lao động còn được gắn kết chặt chẽ với các định hướng phát triển của địa phương. Đặc biệt là tập trung đào tạo đối nghề theo các lĩnh vực thế mạnh của huyện như du lịch, nông nghiệp... Vì thế, học viên gia tăng cơ hội có việc làm sau đào tạo. "Tôi đi học lớp du lịch thì tôi được đào tạo rất nhiều thứ về cách đón tiếp khách, dẫn trải nghiệm tại homestay, giúp chúng tôi xin việc dễ dàng hơn", chị Hà Thị Vân, thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho hay.

Sau học nghề, trên 70% học viên tại Bắc Hà có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân.

2 năm 2022 – 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Bắc Hà đã mở được 29 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 1.000 lao động nông thôn. Sau học nghề, trên 70% học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân. Đây là yếu tố quan trọng để Bắc Hà thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. "Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã chú trọng công tác thực hành theo hướng cầm tay, chỉ việc. Phát huy các thế mạnh người học sẵn có để bồi đắp, rèn luyện thêm kỹ năng để họ có thể làm nghề tốt hơn", ông Nguyễn Phong Vũ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Hà nói.

Mặc dù số lao động nông thôn được đào tạo chưa nhiều, nhưng định hướng này của Bắc Hà đã có thấy hiệu quả khi không ít đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, gia tăng thu nhập, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Vinh Quang – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết