Laocaitv.vn - Xuân Mậu Tuất 2018 đã về với chúng ta. Đồng bào Lào Cai lại đón một cái Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Mậu Tuất là năm con chó. Theo dân gian, năm con chó thường đem đến điềm lành, An toàn - thân thiện và bình yên. Đó là những điều ai ai cũng mong đợi. Thân thiện - an toàn và bình yên sẽ có tác động rất lớn đến làm ăn cũng như cuộc sống của đồng bào. Khai thác hết thế mạnh các vùng miền của đồng bào Lào Cai, chúng ta sẽ thấy tính đa dạng và những nét đặc trưng độc đáo chỉ ở vùng cao mới có. Đó là những tín hiệu vui khi Xuân Mậu Tuất về.
Vùng cao Lào Cai có rất nhiều thế mạnh. Mảnh đất cha ông đã gắn bó nghìn đời rõ ràng phải là đất vàng, đất bạc. Từ đây, qua sự sáng tạo của con người cho ra đời rất nhiều sản phẩm độc đáo. Những người hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, dầy công tìm tòi học hỏi ắt sẽ làm ra rất nhiều thứ xã hội đang cần. Trong cơ chế thị trường hiện nay mà năng động thì mấy chốc mà giàu sang. Chưa cần bàn đến xuất khẩu sang nước bạn, chỉ tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng mặc sức mà làm. Nếu chương trình mỗi làng, mỗi gia đình một sản phẩm được tung ra thị trường thì dân giàu to. Đâu phải lo ăn đong. Có bữa nay phải lo bữa ngày mai. Nước Nhật và Trung Quốc quanh ta giàu lên từ chương trình mỗi gia đình một sản phẩm. Cách của họ làm cũng mang tính cộng đồng rất cao. Chẳng hạn, một chiếc túi Thổ cẩm không chỉ một người, một gia đình làm mà mỗi người, mỗi gia đình phụ trách một công đoạn. Người thì dệt vải, người thì thêu hoa văn, người thì làm quai túi, người thì may túi, người thì kiểm tra công đoạn cuối cùng trước khi xuất hàng đi. Sản phẩm làm ra rất nhiều nhưng đều nhau chằn chặn, không có lỗi.
Vậy đồng bào ta tại sao lại không giàu?
Nếu tập trung làm và tỉnh có chính sách bao tiêu tốt, chỉ cần 20% dân số vùng xuôi trong dịp Tết mỗi gia đình có dăm cân gạo Séng Cù, vài lạng lạp sườn hay ít thịt trâu sấy là các gia đình vùng cao Lào Cai đã có một nguồn thu đáng kể. Còn bao nhiêu của ngon vật lạ chưa đến được nhiều nơi. Đó là Cam sành Bảo Yên, Quýt Mường Khương, Nấm hương Sa Pa, Gà Phong Niên, Lợn siêu sạch. Chưa kể những loài hoa, cây cảnh, cây thuốc quý độc đáo chỉ duy nhất có ở vùng cao. Trời lạnh lại đang đói mà được ăn một bát canh gà nấu với củ Tam thất tươi trồng ở vùng cao Si Ma Cai thì còn gì thú vị hơn. Huyện Si Ma Cai cũng đang mở rộng diện tích cây Tam thất, hy vọng trong vài năm tới sản phẩm sẽ cung ứng được một phần cho các tỉnh miền xuôi. Đây là loại cây xóa đói giảm nghèo tương đối hiệu quả không phải ở đâu cũng trồng được.
Theo quy luật thị trường, sự lựa chọn hàng hóa là do thị hiếu người dùng. Chúng ta không chê đồ nhập ngoại, nhưng nhiều khi hàng nội địa chất lượng còn cao hơn. Đồng bào Mông, đồng bào Dao ở Lào Cai có cách rèn dao truyền thống, con dao sắc đến mức mài xong có thể cạo râu soàn soạt. Ánh lên chất thép mà không bị rỉ. Như vậy chất lượng hơn hẳn dao nhập từ Thái Lan. Thế nhưng, số lượng sản phẩm này chưa nhiều. Ai biết thì mua, không biết thì thôi. Nghĩa là chưa thực sự trở thành hàng hóa. Còn rất nhiều sản phẩm độc đáo rất kỳ công đồng bào mới làm được. Đó là công nghệ chạm bạc của người Tày, người Dao đỏ, nghề làm giấy bản truyền thống của đồng bào Dao Văn Bàn, Sa Pa, Bảo Yên. Nếu được đầu tư khôi phục, những sản phẩm từ nghề đặc biệt này sẽ gây chú ý với du khách muôn phương đến với Lào Cai. Dân làm nghề truyền thống này cũng sẽ giàu lên trông thấy từ những sản phẩm rất đặc thù của vùng cao.
Đất vàng, đất bạc là thế mà có những người không chịu gắn bó, bỏ quê hương đi làm ăn xứ người. Tưởng như làm giàu được từ nơi đất khách, nhưng sau vài năm thấy không hiệu quả quay về với nơi ở cũ nghèo lại hoàn nghèo. Trong khi rất nhiều tấm gương sáng, làm ăn giỏi bám đất bám làng thì giàu lên trông thấy. Đó thực sự là những người tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo và vươn lên làm giàu. Chỉ cách đây hơn mười năm về trước, có nằm mơ tư nhân cũng không thể có ô tô mà đi. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp tư nhân lái xe đi làm. Thế mà đến nay, ai cũng có thể mua ô tô thay cho chiếc xe đạp, xe máy. Vùng cao cũng có nhiều người sắm xe ô tô để làm ăn, buôn bán. Điển hình là ông Thào Dìn ở thôn Na Lốc, xã Bản Lầu. Mới đây là anh Giàng A Châu tận trên Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai đã sắm được xe ô tô bạc tỷ. Tiền này xuất phát từ việc nhờ năng động chuyển đổi vật nuôi, cây trồng đúng hướng. Nhưng theo quy luật kinh tế, rõ ràng phải có tiền mới sắm ô tô. Mỗi chiếc ô tô bằng cả một gia tài. Kinh tế phát triển kéo theo bao thứ lớn lên. Từ gia đình đến ngoài xã hội đều có bước cải thiện. Số hộ giảm nghèo đa chiều tăng lên đáng kể. An sinh xã hội luôn được các nơi quan tâm làm cho vùng cao Lào Cai càng thêm phần tươi mới.
Đó là niềm vui rất đỗi tự hào. Tuy nhiên vẫn chưa trọn vẹn. Rất nhiều hộ đồng bào ở vùng cao giàu lên, song cũng không khỏi chạnh lòng khi còn không ít hộ gia đình chưa vượt qua được ngưỡng đói nghèo. Đói nghèo đeo bám dai dẳng. Những khuôn mặt đen nhẻm, mất màu, mệt mỏi tìm mãi lối đi mà không thoát ra được. Trong số đó, có những hộ lười làm luôn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên nghèo đói đã đành, nhưng có rất nhiều hộ chịu khó mày mò, tìm kiếm cách làm ăn nhưng ít gặp may, chịu rủi ro nhiều hơn nên suốt đời không ngóc đầu lên được. Nhìn vào gia cảnh mới thương tâm làm sao. Ngôi nhà thì siêu vẹo, trong nhà không có gì đáng giá. Trong chuồng một vài con lợn chỉ to bằng chiếc phích Rạng Đông đói ăn nên gầy nhách. Gà vịt cũng chỉ thưa thớt gọi mãi mà chẳng thành đàn. Vậy ta có cơ chế, chính sách gì giúp đỡ họ thoát nghèo?
Hướng mở ra đã rõ. Sự vận động theo quy luật thị trường làm cho mọi người năng động hơn. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được bà con ở Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Si Ma Cai, thành phố Lào Cai và nhiều nơi khác áp dụng, bước đầu cho kết quả khả quan. Những năm tới mô hình này thành công thì nguồn thu trên một đơn vị diện tích canh tác sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cộng với chương trình mỗi làng, mỗi gia đình một sản phẩm chính là bài toán về xóa đói giảm nghèo hữu hiệu nhất ở vùng cao Lào Cai hiện nay.
Nếu chương trình mỗi gia đình, mỗi làng một sản phẩm mà được phát huy thì vùng cao, vùng đồng bào sẽ có nhiều hàng hóa được nhiều nơi đón nhận. Bởi hàng hóa của bà con làm ra rất độc đáo, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Rất nhiều nơi có nhu cầu dùng hàng đặc sản vùng cao. Song bài toán thị trường chưa được làm đến nơi đến chốn. Chương trình mỗi gia đình, mỗi làng một sản phẩm mà thành công là cơ hội tốt nhất cho vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số xóa nghèo vươn lên no đủ và làm giàu. Chương trình này sẽ ghi dấu ấn từ mùa Xuân Mậu Tuất này.
Chúc đồng bào thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bằng chính tiềm năng, nội lực của mình.
Xuân Mậu Tuất 2018 Thân thiện - an toàn và bình yên đã về trên khắp nẻo vùng cao Lào Cai.
Nguyễn An Chiến
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết