Dạy học giáo dục địa phương: Cơ hội và thách thức

16:30 17-12-2019 | :3228

 

Laocaitv.vn - Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đại trà từ năm học 2020 - 2021, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc, có vị trí tương đương với một môn học. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các nhà trường của Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa, mô hình trường học thực tiễn, góp phần hình thành và rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Tuy nhiên, việc làm này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà trường.

Tại Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, những giờ học giáo dục truyền thống lịch sử đã rất quen thuộc với các em học sinh. Ngoài bếp Hoàng Cầm, nhà trường còn có mô hình hầm Đờ-Cát, quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa... Những bức tường bao quanh trường cũng được tận dụng để vẽ tranh tái hiện lại các sự kiện lịch sử của đất nước… Qua đó, những kiến thức lịch sử đã trở nên gần gũi, dễ tiếp cận, dễ nắm bắt hơn với các em.

Những mô hình trên là điều kiện thuận lợi để trong năm học tới, nhà trường triển khai dạy chương trình giáo dục địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến lịch sử nơi học sinh cư trú. Vậy nhưng, thay cho hoạt động ngoại khóa, chương trình giáo dục địa phương sẽ trở thành các tiết học chính khóa, yêu cầu có giáo trình, bài soạn cụ thể. Sẽ có những khó khăn, bỡ ngỡ nhất định khi nhà trường tiếp cận với điểm đổi mới này.

Giáo dục địa phương sẽ trở thành các tiết học chính khóa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây cũng đang là khó khăn của không ít nhà trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo quy định, chương trình giáo dục địa phương sẽ chiếm khoảng 20% trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để tháo gỡ những khó khăn đó, ngành Giáo dục đã chủ động xác định các lĩnh vực trong giáo dục địa phương sẽ được triển khai tại Lào Cai. Từ đó, thành lập Ban biên soạn để xây dựng khung chương trình, tiến tới biên soạn tài liệu địa phương theo quy định.

Ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: “Với các lĩnh vực văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý địa phương, kinh tế, xã hội, môi trường và hướng nghiệp, đơn vị đã thành lập Ban biên soạn, xây dựng khung chương trình, sau khi được thẩm định sẽ tiến tới biên soạn tài liệu địa phương, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 7/2020 để kịp cho lớp 1 triển khai trong năm học 2020 - 2021”.

Dạy học giáo dục địa phương phải đạt về kiến thức, kĩ năng, bảo đảm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh để làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh… Những yêu cầu này đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của toàn ngành Giáo dục, để việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2020 - 2021 đạt hiệu quả cao nhất.

 Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết