Đẩy mạnh các giải pháp khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại

09:26 17-04-2022 | :388

Laocaitv.vn - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030, tỉnh Lào Cai đặt ra các mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành công 2 vùng an toàn dịch bệnh dại tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa; phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Nhiều giải pháp đang được tỉnh triển khai thực hiện, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Từ đầu tháng 3, các xã, phường của thành phố Lào Cai đã thành lập đội bắt giữ, xử phạt các hộ thả rông, không đeo rọ mõm cho chó tại các điểm công cộng và các tuyến đường. Việc tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo (khoảng 10.000 con, phần đa là chó cảnh) cũng được triển khai đồng loạt. Người dân thành phố sau nhiều năm được tuyên truyền, vận động đã cơ bản chấp hành khá tốt các quy định phòng chống bệnh dại, xây dựng cơ sở an toàn bệnh dại của tỉnh.

Ông Lương Xuân Đương, ở tổ 11, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai cho biết: "Tôi nuôi chó được hơn 10 năm nay, năm nào cũng tiêm phòng. Bởi tôi sợ chó nhiễm dịch bệnh nếu cắn vào mình hay người đi đường thì rất là nguy hiểm".

 

Công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo được triển khai đồng loạt.

Giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được 16 cơ sở an toàn bệnh dại động vật cấp xã tại 5 địa phương là thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và huyện Bảo Thắng.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình này, giai đoạn 2022 - 2030, phấn đấu xây dựng thành công 2 vùng an toàn dịch bệnh dại là thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa; đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Riêng năm 2022 này, sẽ có thêm 4 xã, phường được công nhận là cơ sở an toàn bệnh dại.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: "Về giải pháp, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi chó mèo về hiệu quả, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Nếu như người chăn nuôi chưa thực hiện tiêm phòng cho chó mèo, thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quy định đối với người nuôi chó mèo".

Riêng đối với các huyện, xã vùng cao - những địa bàn mà người dân vẫn chưa có ý thức trong việc nuôi nhốt cũng như tiêm vắc-xin phòng dại định kỳ mỗi năm cho chó mèo, cơ quan chuyên môn mong muốn chính quyền các địa phương vào cuộc hơn nữa để đảm bảo mục tiêu chung đặt ra là trên 95% xã, phường, thị trấn thành lập được danh sách hộ nuôi chó mèo; tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó phải đạt 85%. 

  An Hồng – Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết