Laocaitv.vn - Sản xuất công nghiệp là lĩnh vực đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai hằng năm. Bởi vậy, ngành Công thương luôn xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.
Thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ nhằm tiết giảm sức lao động, nâng cao năng suất lao động. Tại phòng điều khiển trung tâm, được ví như “bộ não” của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, mỗi ca làm việc chỉ cần từ 4 - 5 công nhân nhưng có thể vận hành toàn bộ dây chuyền sản xuất của nhà máy thông qua hệ thống phầm mềm quản lý.
Anh Nguyễn Văn Kỳ, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai cho biết: "Công ty đã áp dụng công nghệ sản xuất mới nhất, sử dụng dây chuyền tự động hoàn toàn, giúp người lao đông giảm thiểu thời gian tiếp xúc với môi trường độc hại, giảm thời gian làm việc trực tiếp".
Công nhân Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai vận hành dây chuyền sản xuất qua hệ thống máy tính.
Với tổng công suất gần 1.100 MW, 67 nhà máy thủy điện mỗi năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước tới 900 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số.
Nhà máy thủy điện của Công ty Cổ phần năng lượng Đông Nam Á có công suất 13,5 MW. Với việc đầu tư nhiều công nghệ ứng dụng như: Hệ thống quan trắc thời tiết, thiết bị quan sát từ xa đã giúp nhà máy tận dụng tối đa nguồn nước, chạy 100% công suất bất kể mùa khô hay mùa mưa.
Anh Trần Văn Trám, đại diện Công ty Cổ phần năng lượng Đông Nam Á cho biết: "Chúng tôi áp dụng thiết bị camera giám sát từ xa đối với những khu vực có yêu cầu an toàn. Ví dụ như khu vực làm mát gối trục có camera giám trực tiếp, hệ thống chuông cảnh báo kịp thời cho các đồng chí quản lý trực tiếp ở khu vực gian mạch".
Công ty Cổ phần năng lượng Đông Nam Á áp dụng nhiều công nghệ như camera giám sát từ xa trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện.
Ngành Công thương đã chỉ đạo, khuyến khích các nhà máy sản xuất công nghiệp đầu tư, đổi mới dây chuyền, máy móc, thiết bị công nghệ nhằm chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa. Hỗ trợ chính sách khuyến công để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết: "Lấy nền tảng của doanh nghiệp và người dân làm trung tâm để phục vụ và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử nhằm nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục tiêu rất cụ thể và rõ ràng. Kết nối trực tuyến giữa hoạt động sản xuất với khâu phân phối lưu thông hàng hóa; hỗ trợ cơ chế chính sách đối với các dự án, các khu công nghiệp đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị với công nghệ hiện đại".
Với việc số hóa hoạt động quản lý, điều hành của Sở Công Thương và số hóa các hoạt động của doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng để triển khai thành công Đề án chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trung Kiên - Quang Ánh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết