Đề án dạy ngoại ngữ – khâu đột phá tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục

18:47 26-04-2019 | :2297

Laocaitv.vn - Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, thành phố Lào Cai đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực. Nội dung này được xác định là khâu đột phá, tạo chuyển biến nổi bật, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Triển khai đề án, phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố lựa chọn việc dạy và học ngoại ngữ là lĩnh vực tạo chuyển biến nổi bật tại các cấp học. Thuận lợi đầu tiên đó chính là nhận thức cũng như nhu cầu được học ngoại ngữ của học sinh tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm tiếng Anh được cấp phép hoạt động trên địa bàn đã cung cấp dịch vụ dạy ngoại ngữ chất lượng tốt, tạo điều kiện cho các trường, học sinh có cơ hội tiếp cận môn tiếng Anh với người bản xứ. Tuy nhiên, có thể nói, một trong những nỗ lực của thành phố đó là việc xây dựng, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh trong tất cả các trường. Thành phố Lào Cai cũng là địa phương đi đầu trong việc triển khai dạy học tích hợp tiếng Anh ở hầu hết các môn học; dần chuyển hóa tiếng Anh thành ngôn ngữ thông dụng. Kết quả nổi bật là đến thời điểm này, tất cả các trường học từ mầm non đến tiểu học và THCS trên địa bàn, học sinh đều được học tiếng Anh. Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: "Chúng tôi đã bám sát mục tiêu của đề án để xây dựng các kế hoạch của ngành và chỉ đạo tới các đơn vị nhà trường. Đến thời điểm này, từ học sinh mầm non cho đến học sinh THCS trên toàn thành phố đều đã được học ngoại ngữ. Chúng tôi coi đây là một trong những thế mạnh của ngành, tạo ra nét rất mới, có sự đột phá để khẳng định được rằng giáo dục thành phố Lào Cai đã ngang bằng với một số tỉnh phát triển".

Giờ sinh hoạt ngoại khóa của CLB tiếng Anh - Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.

Ở các trường học, việc tăng cường tiếng Anh thông qua sử dụng ISMART để khuyến khích học sinh mở rộng kiến thức khoa học, tự nhiên - xã hội được coi trọng. Để tạo điểm nhấn, thành phố chủ trương xây dựng trường điển hình, trường điểm về dạy và học ngoại ngữ, như: Trung học cơ sở Kim Tân, Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Lê Ngọc Hân… Việc tổ chức nhiều cuộc thi học sinh giỏi, giao lưu tiếng Anh cho trẻ các cấp học từ mầm non đến THCS góp phần tạo sân chơi lành mạnh, khuyến khích tinh thần học tập của học sinh. Các trường cũng thường xuyên tổ chức giao lưu, phối hợp với trung tâm dạy ngoại ngữ có người nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Hoạt động này không những tăng cường khả năng tiếng Anh cho học sinh, mà còn giúp các em rèn luyện, trau dồi kỹ năng trong hoạt động, làm việc nhóm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với các trường nước ngoài được xem là giải pháp thiết thực và phù hợp, tạo môi trường tốt trong việc tiếp cận, học ngoại ngữ của học sinh. Điều đáng chú ý là bên cạnh nguồn lực đầu tư từ dự án, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng làm tốt công tác xã hội hóa, góp phần đáng kể trong cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho môn học đặc thù này. Cô giáo Bùi Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: "Sau khi tuyển sinh, nhà trường họp phụ huynh học sinh để tuyên truyền lợi ích của việc dạy tăng cường tiếng Anh cho học sinh. Dù đã thông tin chi tiết về kinh phí học tăng cường tiếng Anh là khá cao nhưng phụ huynh học sinh vẫn đồng tình ủng hộ. Qua 2 năm học, trường có 100% số lớp đăng ký học tăng cường tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, và học tăng cường tiếng Anh thông qua môn học khác. Vào cuối kỳ, cuối năm học nhà trường đều có đánh giá kết quả học tiếng Anh của học sinh các lớp, hiệu quả rất tốt".

Kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai Đề án dạy ngoai ngữ trên địa bàn thành phố Lào Cai cho thấy: Thành phố đã triển khai dạy tiếng Anh hệ 10 năm tại 29/37 trường, tăng gần 30% so với năm học 2017-2018. Hiện, 41/41 giáo viên đạt chuẩn B1 (đối với bậc tiểu học), 41/45 giáo viên đạt chuẩn B2 (đối với giáo viên THCS). Ở bậc giáo dục phổ thông, 100% học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố được học ngoại ngữ. Riêng hệ giáo dục mầm non, hiện đã có 24/28 trường trên địa bàn cho trẻ làm quen với tiếng Anh (tập trung vào lứa tuổi 4 đến 5). Đây được xem là nỗ lực lớn của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, không những giúp cho trẻ có môi trường để làm quen, mà còn tạo môi trường tốt để trẻ tiếp cận với môn học. Hiện tại, trên địa bàn thành phố đang tồn tại 2 loại hình dạy ngoại ngữ đó là: Dạy theo khung chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo (theo hình thức không thu phí); dạy tăng cường tiếng Anh với người nước ngoài, tiếng Anh Phonic và tiếng Anh tăng cường trong các môn học. Chủ trương này đã triển khai trong 3 năm gần đây và được lựa chọn làm khâu đột phá tạo chuyển biến nổi bật, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Riêng năm học 2018-2019, phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố chỉ đạo thực hiện dạy học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm đối với 30 trường tiểu học và THCS; đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm cải tiến chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong các nhà trường. Bên cạnh đó, tổ chức dạy, học tiếng Trung là ngoại ngữ 1 đối với 2 trường, là ngoại ngữ 2 đối với 7 trường và là ngôn ngữ giao tiếp với 2 trường; tạo môi trường học tập, sinh hoạt bằng ngoại ngữ sôi nổi, giúp học sinh và giáo viên tích cực hơn.

Thực tế cho thấy, Đề án dạy ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020 đã tạo sự thay đổi căn bản nhận thức về tầm quan trọng của việc dạy ngoại ngữ; chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì một số khó khăn cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Trong đó, nổi lên là bất cập về cơ sở vật chất, các phòng học ngoại ngữ không những thiếu, mà những phòng đã được đầu tư nhưng hiện cũng đã lạc hậu, đặc biệt là trang thiết bị nghe nói, hệ thống âm thanh, màn hình… Cô giáo Tống Thị Thương Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám chia sẻ: "Trường THCS Hoàng Hoa Thám là một trong sáu trường được phòng Giáo dục – Đào tạo chọn là trường điển hình, tuy nhiên, hiện nay nhà trường chưa có phòng học ngoại ngữ, mà phải sử dụng các phòng học khác để tổ chức dạy tiếng Anh cho các em học sinh, cho nên các tiết học kết nối chưa thực hiện được".

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, một số trường học của thành phố cũng đang thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đạt chuẩn cho môn học đặc thù này. Theo lãnh đạo phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố, để đạt mục tiêu tạo chuyển biến mang tính đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Đề án, thành phố rất cần một cơ chế đặc thù cho giáo dục ngoại ngữ, bao gồm cả đầu tư về cơ sở vật chất, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Cùng với đó, thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ phụ huynh học sinh, tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của giáo dục thời hội nhập.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết