Nghiên cứu trong lịch sử nhân loại, di chúc của người trước khi ra đi dặn lại những việc người sau cần làm và nên làm, thường được thể hiện trong một gia đình, dòng tộc hoặc trước đây chiếu của vua để lại cũng chỉ giản đơn về một việc gì đấy. Còn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thể hiện nét tinh hoa của một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Rộng hơn, có thể coi bản di chúc như một cương lĩnh để toàn Đảng, toàn dân thực hiện xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập dân chủ và phồn vinh. Trên thế giới không có một vị lãnh tụ nào trước khi ra đi còn để lại được bản di chúc bất hủ như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá trị của Di chúc là ở chỗ bao nhiêu việc Người còn đang làm dang dở, bao nhiêu bộn bề chưa được giải quyết thì chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện để thỏa lòng mong ước của Người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam.
Chỉ với trên 1.000 từ, nhưng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một định hướng lớn để chúng ta có điều kiện học tập và làm theo.
Khi Bác viết bản Di chúc cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn gay go nhất, quyết liệt nhất. Sáu năm sau ngày Bác ra đi, chúng ta mới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc bằng chiến thắng 30/4/1975. Thế nhưng Người đã khẳng định trong Di chúc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Lời tiên tri đó đã trở thành hiện thực khi Mỹ đã dùng hết ngón đòn, dùng hết quân bài, đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ sử dụng máy bay B52 liên tục đánh phá 12 ngày đêm ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một vài nơi khác (diễn ra từ 18 đến 30/12/1972) như trận quyết chiến cuối cùng nhưng không kết quả, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là thiên tài, tinh hoa của dân tộc Việt Nam thì làm sao lại khẳng định được chắc chắn Mỹ sẽ thua, mà là thua ngay tại Việt Nam. Khẳng định chắc chắn ấy còn được Người viết tiếp ở trường đoạn sau: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc."
"Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!"
Bác dùng câu thơ lục bát biến thể nhưng lại hết sức giàu ý nghĩa. Từ “mười” trong câu biến thể không những chỉ vần với từ “người” câu sáu, mà từ “mười” thể hiện sự tròn trĩnh đầy đủ gấp mười, bằng mười. Bác lại dùng “hơn mười” nhằm gieo lòng tin tuyệt đối vào nhân dân ta ở thắng lợi ngày mai. Tư tưởng của Người thể hiện rất rõ khi thắng giặc Mỹ sẽ xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Trong Di chúc, Bác đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng bằng sự khẳng định: Trước hết nói về Đảng, ra đời từ mùa xuân 1930, có nhiều khi phải đi vào hoạt động bí mật, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành nhiều thắng lợi vẻ vang, đỉnh cao chói lọi là thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền trong cả nước. Từ đó và mãi mãi về sau, Đảng đã đứng mũi chịu sào, lái con thuyền đưa nhân dân Việt Nam đến bến vinh quang. Đảng là người tổ chức lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mà tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng là hết sức quan trọng. Người khẳng định trong Di chúc: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…”
Trong quá trình lãnh đạo của Đảng và sự đi lên của đất nước, biết bao thế lực thù địch đã chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhưng do có sự đoàn kết thống nhất, Đảng ta đã tạo được sức mạnh từ trong Đảng ra đến ngoài quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi nhiều, biết lắm, hiểu rộng, Người khẳng định Đảng ta là một đảng cầm quyền. Như vậy cũng đồng nghĩa với không đa nguyên, đa đảng mà chúng ta chỉ có một Đảng duy nhất đúng. Đó là bài học có ý nghĩa rất lớn không những chỉ Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới. Liên Xô và Đông Âu sụp đổ những năm 90 của thế kỷ XX đòi cải tổ, cải cách, phủ nhận quá khứ, từ bỏ xã hội chủ nghĩa, từ bỏ Đảng Cộng sản là một bài học đắt giá về chính sách đa nguyên, đa đảng, không muốn duy nhất một Đảng lãnh đạo. Do đó, thực hiện Di chúc của Người, chúng ta khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta.
Người viết: “Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Ngôn ngữ khúc triết và giàu ý nghĩa ấy đã lột tả tất cả những gì cần có trong công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ người đảng viên cộng sản. Quan tâm công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến thế hệ trẻ, Người căn dặn “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ là quan tâm đến xây dựng và bảo vệ đất nước. Tri thức, đạo đức và sức khỏe là những tiêu chí để thanh niên Việt Nam hội nhập cùng khu vực và thế giới. Đó cũng là những người gánh vác trách nhiệm làm nên vinh quang Việt Nam.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Yêu nước thương nòi – Đó là triết lý phương Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc ra đi, Người không quên nhắc đến nhân dân lao động – những người một nắng hai sương bao đời chịu đựng gian khổ vì nhiều lý do khác nhau. Song “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù – Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Những lời căn dặn đó chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ kính yêu với một tấm lòng bao dung rộng lớn, tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Người có ý định sau khi thắng Mỹ "sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Tư tưởng yêu nước thương dân, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Người sẽ còn là bài học sâu sắc đối với mỗi người dân đất Việt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới luôn sáng ngời tinh thần quốc tế cao cả. Mong ước của Bác cũng thể hiện rõ tư tưởng: Việt Nam muốn là bạn với tất cả bạn bè khắp năm châu. Người viết: “…Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục khối đại đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Hồ Chí Minh đã từng đi khắp năm châu bốn biển, tìm con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam, thấu hiểu cuộc sống của các dân tộc bị áp bức và thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước. Lúc nào Người cũng mong muốn trên thế giới này chỉ có hòa bình, không có chiến tranh, mọi người có cuộc sống thanh bình và hạnh phúc.
Một con người giản dị, khiêm nhường với một trái tim lớn luôn giành cả cuộc đời cho dân tộc Việt Nam. Bản Di chúc bất hủ của Người đã nói lên tất cả, tất cả vì một mục đích cuối cùng, đó là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Bác đã giành cả cuộc đời chăm lo cho sự nghiệp cách mạng và hạnh phúc nhân dân. Trái tim lớn đó chưa một lần giành ưu tiên cho bản thân mình mà “chỉ tiếc và tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Trong tư tưởng của Người về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trở thành gương sáng cho chúng ta suốt đời học tập. Trước lúc ra đi Bác còn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”. Những lời mộc mạc đó đã làm cả triệu triệu trái tim trân trọng một con người hết lòng vì dân, vì nước. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã viết: “Tư tưởng và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta; ngọn cờ chói lọi của Người mãi mãi chỉ lối cho chúng ta tiến lên phía trước”.
Gần 50 năm Bác đã đi xa nhưng Di chúc của Người vẫn luôn là ánh hào quang tỏa sáng. Đó là những lời tiên tri độc đáo, một bản hùng ca, một di sản văn hóa vô giá của nhân loại. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta thực hiện nguyện ước của Người: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tất cả vì một Việt Nam phồn vinh giàu đẹp, xứng đáng là con rồng ở khu vực Đông Nam châu Á.
Nguyễn An Chiến
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết