Điều động đảng viên – Hiệu quả bắt nguồn từ sáng tạo (Kỳ 1: Nhìn từ điểm sáng Can Hồ Mông)

08:38 25-10-2017 | :886

(Laocaitv.vn) - Cách đây 5 năm (ngày 17/8/2012), Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lào Cai về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai (giai đoạn 2012-2015) ra đời. Nghị quyết này được xem là bước ngoặt lớn trong phát triển đảng viên cũng như xây dựng chi bộ độc lập, đáp ứng yêu cầu vừa thực tiễn, vừa cấp bách của các cấp ủy cơ sở, đặc biệt là ở địa bàn vùng khó khăn lúc bấy giờ. 

Kỳ 1: Nhìn từ điểm sáng Can Hồ Mông

 

Can Hồ Mông – một thôn đặc biệt khó khăn của xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây cũng là thôn có tới 100% hộ dân thuộc diện đói nghèo. Thời điểm năm 2012, toàn thôn với trên 50 hộ, gần 300 nhân khẩu, nhưng chỉ có duy nhất 1 đảng viên đó là Sùng A Chính, là người con ưu tú của bản, được kết nạp Đảng từ năm 2004, nhưng hàng tháng, Sùng A Chính vẫn phải đến sinh hoạt ghép tại thôn Can Hồ A. Khó khăn cả trong việc nắm bắt chủ trương, Nghị quyết của Đảng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Ngày ấy, anh Chính đã từng mong muốn thôn mình phát triển thêm được đảng viên mới, có chi bộ độc lập để việc tuyên truyền, vận động bà con làm theo Đảng được tốt hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tố điển hình cũng rất khó khăn. Nhưng từ khi Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy ra đời, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện, 3 đảng viên sinh hoạt tại chi bộ văn phòng Đảng ủy xã được điều động về Can Hồ Mông. Là người Kinh nhưng đã có nhiều năm công tác, gắn bó với người đồng bào Bản Khoang, đảng viên Nguyễn Văn Thắm được Đảng ủy giao nhiệm vụ giữ chức Bí thư Chi bộ, cùng với sự hỗ trợ tích cực của 2 đồng chí điều động và đảng viên cắm bản Sùng A Chính, Chi bộ Can Hồ Mông được thành lập và nhanh chóng kiện toàn, đi vào hoạt động. Nguyên Bí thư chi bộ Can Hồ Mông Nguyễn Văn Thắm nhớ lại: "Ban đầu về rất là khó khăn, phong tục tập quán, nhận thức của người dân rất là thấp, tôi đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí đảng viên,mỗi đồng chí đảng viên phục trách một mảng tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, rất khó khăn, các đồng chí đảng viên đã trực tiếp đi từng gia đình vận động".

 

Một buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Can Hồ Mông

Từ khi có chi bộ lãnh đạo, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ trên được triển khai đến thôn, đến từng hộ gia đình một cách bài bản và rất sát sao. Không những tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mỗi đảng viên của Chi bộ Can Hồ Mông đều phải có trách nhiệm "đến từng ngõ, gõ từng nhà", trực tiếp hướng dẫn bà con cách làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa giống ngô cao sản vào canh tác; rồi làm chuồng nuôi nhốt gia súc; gần đây nhất là nuôi dê, trồng Chù dù (một loại cây dược liệu) và trồng hoa lan. Bản thân Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thắm đã rất thành công với mô hình nuôi dê tại thôn, và khi đã thành công, bà con thấy được hiệu quả thì họ đồng thuận làm theo.

Khoảnh vườn khá rộng của gia đình bà Lý Thị Máy trước đây vốn bỏ hoang thì nay được thay thế bằng vài chục chậu địa lan, bên cạnh đó, đàn dê mà các đảng viên trong chi bộ thôn hướng dẫn gia đình bà Máy nuôi hiện cũng lên tới hơn 20 chục con. Ít ai biết rằng người phụ nữ dân tộc Mông, tuổi đã khá cao như bà Máy hàng ngày vẫn say sưa với vườn lan của gia đình. Bà cho biết: "Ở vùng cao này lạnh lắm, làm ăn rất khó khăn, rất là nghèo. Nhờ  Đảng, nhà nước và cán bộ chỉ bảo cho cách làm ăn, nay đã nuôi được dê, trồng được hoa, kinh tế đỡ khó khăn hơn, mong cán bộ tiếp tục giúp đỡ bà con nhiều hơn".

Mô hình nuôi dê của bà Lý Thị Máy

Đổi thay ở Can Hồ Mông không chỉ là sự chuyển biến về nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, mà điều không kém phần quan trọng đó là Can Hồ Mông hôm nay đã có bộ máy lãnh đạo đủ mạnh để vận động bà con, và các đảng viên thực sự là hạt nhân tiêu biểu. Thực tế cũng cho thấy, việc điều động đảng viên về Can Hồ Mông đã giúp phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên tại chỗ và mang lại kết quả ngoài mong đợi. Sau hàng chục năm chỉ có 1 đảng viên địa bàn, đến nay, Can Hồ Mông đã phát triển thêm được 3 đảng viên là người của bản. Câu chuyện về đảng viên Giàng A Phẳng, vừa được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, ở tuổi 59 hiện vẫn còn mới với đồng bào Mông nơi đây. Ông không chỉ làm niềm tự hào về người cao tuổi của bản, nỗ lực phấn đấu vào Đảng, mà ngày ông vào Đảng (vào tháng 6 vừa qua) còn đánh dấu sự kiện quan trọng của Đảng bộ huyện Sa Pa với vinh dự đảng viên thứ 3.000 của toàn Đảng bộ. Có thâm niêm nhiều năm làm trưởng thôn, đến nay là đảng viên, ông Phẳng không những vinh dự, mà còn thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền vận động bà con mình một lòng đi theo Đảng, cùng đoàn kết xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới. Đảng viên Giàng A Phẳng nói: "Mình vào đảng vai trò của trưởng thôn thì trưởng thôn lãnh đạo dân, lãnh đạo chủ yếu là tuyên truyền bà con nhân dân đi mua giống lúa, giống ngô, chăm sóc ruộng nương, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Nói chung là mình vào Đảng thì mình phải phấn đấu, gương mẫu, bây giờ thì nói dân càng ngày càng nghe".

Can Hồ Mông hiện tại có 7 đảng viên, điều này cũng có nghĩa 3 đảng viên điều động nếu rút về thì chi bộ thôn vẫn vững vàng hoạt đông. Minh chứng là trong đại hội cấp chi bộ cơ sở tiến hành tháng 6 vừa qua, Bí thư Chi bộ của Can Hồ Mông được bầu mới chính là người con của bản Sủng A Chính. Anh Chính cho rằng: sự dìu dắt, giúp đỡ tận tình, tâm huyết và trách nhiệm của đảng viên điều động, anh đã vững tin và sẽ phấn đấu hoàn tốt trọng trách mới của mình.

Sau 5 năm thực hiện, đến bây giờ, có lẽ người cảm nhận rõ nhất được ý nghĩa, hiệu quả từ chủ trương trong điều động đảng viên về chi bộ thôn, bản ở Bản Khoang chính là Bí thư Đảng ủy xã ông Nguyễn Viết Ánh. Thông qua việc điều động về chi bộ thôn, từ đây, không những việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được bài bản, sát thực, mà lực lượng đảng viên đồng thời là cán bộ xã thực sự là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trực tiếp bám bản, nắm địa bàn, tâm tư nguyện vọng của bà con, rõ ràng là Đảng lúc này đã thực sự gần dân, đồng hành cùng bà con. Ông Nguyễn Viết Ánh chia sẻ: "Các đồng chí ấy làm tốt vai trò xây dựng chi bộ vững mạnh, trực tiếp triển khai chủ trương chính sách các chương trình kế hoạch của cấp ủy, chính quyền đến với bà con nhân dân. Các đồng chí lại làm tốt vai trò là cầu nối, vừa nắm bắt tình hinh của thôn bản, đề xuất tham mưu với các ủy, chính quyền các giải pháp phát triển kinh tế xã hội".

Chi bộ Can Hồ Mông, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa chỉ là một trong số hàng trăm chi bộ trên địa bàn được điều động đảng viên, một cách làm sáng tạo, thậm chí chưa có trong tiền lệ. Thực tế triển khai cũng có ý kiến nghi ngại cho rằng: Điều động hay luân chuyển đảng viên chỉ là một cách nói cho đẹp, còn thực chất của vấn đề này là vay mượn đảng viên, để thành lập chi bộ độc lập, xóa thôn, bản trắng đảng viên  – một căn bệnh thành tích? Kỳ 1 "Nhìn từ điểm sáng Can Hồ Mông" mà các độc giả vừa xem chính là câu trả lời từ thực tiễn khách quan ở huyện vùng cao Sa Pa. 

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết