Đổi thay của huyện nghèo nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước

15:41 26-07-2019 | :427

Laocaitv.vn - Si Ma Cai là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai, có 12/13 xã khu vực 3, 1 xã khu vực 2, 79/83 thôn đặc biệt khó khăn; phân bố dân cư không đồng đều; đồng bào các dân tộc thiểu số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn cao. Để giảm bền vững số hộ nghèo, thời gian gần đây, địa phương này đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như Chương trình 135, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy; đến nay, đời sống của đồng bào các dân tộc đã có đổi thay rõ rệt.

Đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Si Ma Cai đã có đổi thay rõ rệt nhờ vào các chính sách của nhà nước

4 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Si Ma Cai đã giảm đáng kể, nếu như năm 2015, số hộ nghèo toàn huyện chiếm đến 57% thì hết năm 2018, con số này đã giảm trên một nửa, còn gần 23%, thu nhập bình quân đạt trên 25 triệu đồng/người/năm... Có được kết quả ấy chính là nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước trên địa bàn cũng như cố gắng vươn lên của bà con. Trong đó, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp được huyện tập trung thực hiện, các chính sách dân tộc giai đoạn 2014 - 2019 được chỉ đạo sát sao. Từ nguồn vốn Chương trình 135, Nghị quyết 30a, đến nay toàn huyện thực hiện 120 công trình đường giao thông, trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, công trình thể thao và hỗ trợ phát triển sản xuất cho 34.700 lượt đối tượng thụ hưởng. Hiện các công trình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Chị Vàng Thị Pẩn, thôn đội 3, xã Nàn Sán, chia sẻ: "Nhà tôi được ngân hàng chính sách hỗ trợ để chăn nuôi trâu, bò, xây được cái nhà rồi. Nhà tôi thoát nghèo năm 2018. Tôi mua thêm trâu, bò về nuôi để tăng thu nhập".

Ngoài ra, giai đoạn 2014 - 2018, huyện Si Ma Cai cũng được ngân sách trung ương phân bổ 16 tỷ đồng để thực hiện dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, từ nguồn hỗ trợ này, bà con nhân dân đã đầu tư, phát triển nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả như: Trồng cây tam thất, sa nhân tím, thảo quả, lê, mận Tả van. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai đánh giá: "Chúng ta có thể nhận rõ nhất từ việc đưa giống cây trồng mới có chất lượng tốt, năng suất cao vào sản xuất; các nguồn vốn đều đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao từ việc lựa chọn danh mục, nội dung quy hoạch sản xuất. Khi thực hiện các mô hình, các chương trình sản xuất đã được người dân đồng tình thực hiện, sau khi thực hiện xong người dân bình chọn, nhận xét về các mô hình, chương trình sản xuất, do đó tạo được sự tin tưởng của người dân, thấy hiệu quả người dân tự đóng góp thêm kinh phí mở rộng mô hình".

Cây tam thất là một trong những loại cây mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Si Ma Cai

Cũng từ thực tế khó khăn của huyện Si Ma Cai, để giúp huyện có thêm nguồn lực giảm nghèo nhanh và bền vững, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 22. Theo đó nguồn vốn hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã/năm, tổng kế hoạch vốn cấp từ năm 2015 đến hết năm 2018 cho huyện là gần 84 tỷ đồng, gần 20 nghìn lượt hộ được thụ hưởng chính sách bao gồm: Hỗ trợ trồng cỏ, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, giao đất, giao rừng, đào tạo tập huấn, cấp phát cây, con giống... Ông Giàng Sín Chớ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Si Ma Cai cho biết: "Các chính sách như 30a, 135, Nghị quyết 22 đã hỗ trợ cho đồng bào rất thiết thực. Chúng tôi triển khai đến từng hộ dân, để làm sao người dân được tiếp cận với các chính sách của nhà nước gần nhất và khuyến khích, động viên các hộ tích cực thực hiện. Đến nay đồng bào dân tộc nơi đây đã có nhiều nhà xây, thu nhập ổn định, đời sống của bà con được nâng lên nhờ thụ hưởng những chính sách ấy".

Cùng với các chương trình, chính sách vừa nêu, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn được Nhà nước hỗ trợ theo nhiều chương trình khác như: Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và cấp nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ khám chữa bệnh... Có thể nói, đây là những chương trình, chính sách hết sức ý nghĩa, không chỉ giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao mà còn khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của bà con ./.

Việt Hùng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết