Động lực mới cho những trường học bán trú

19:41 30-12-2023 | :190

Laocaitv.vn - Sau Quyết định 861, số lượng trường phổ thông dân tộc bán trú của Lào Cai giảm gần 30%. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn đang duy trì gần 140 trường bán trú và hơn 80 trường có học sinh bán trú, đảm bảo điều kiện học tập cho trên 40.000 học sinh. Năm học này, một số chính sách hỗ trợ giáo dục cũng đã có sự thay đổi theo hướng thuận lợi để triển khai mô hình bán trú ở các cấp học, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển giáo dục vùng cao.

Năm học này, một số chính sách hỗ trợ giáo dục đã có sự thay đổi theo hướng thuận lợi ở mô hình bán trú.

Năm học 2023 – 2024, trường học này được quyết định chuyển thành trường bán trú, đồng nghĩa các chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên được đảm bảo  hơn. Thêm vào đó, mức lương cơ sở tăng, kéo theo chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú cũng tăng lên 720.000 đồng/tháng. Vì thế, những bữa ăn cho 50 học sinh bán trú ở đây đã đầy đủ hơn. Thầy giáo Hoàng Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: “Học sinh  được hỗ trợ theo Nghị định 116 về bữa ăn và Nghị định 81 hỗ trợ về đồ dùng học tập. Việc tăng lương cơ sở giúp nhà trường thuận lợi hơn, có những bữa ăn dinh dưỡng hơn, tăng chiều cao cân năng, phát triển được trí tuệ”.

Nhờ các chính sách hỗ trợ giáo dục, Trường Mầm non Tân Tiến – ngôi trường ở địa bàn khó khăn bậc nhất huyện Bảo Yên duy trì đều đặn bữa ăn bán trú buổi trưa cho trẻ ở các lứa tuổi. Tỷ lệ chuyên cần vì thế cũng đảm bảo hơn. Cô giáo Phùng Thị Chạn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến, huyện Bảo Yên cho biết: “Nhờ có các chính sách đó mà nhà trường đã nâng cao tỷ lệ học sinh ra lớp. Ví dụ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi theo Nghị quyết 115, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi theo Nghị quyết 29 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Hoạt động giáo dục của nhà trường rất thuận lợi. Đến giờ trường đã vượt các chỉ tiêu so với mặt bằng chung của huyện. Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh cho biết: “Đến nay 100% các huyện, thị xã, thành phố có các trường nội trú, bán trú từ cấp tiểu học đến THPT đáp ứng nhu cầu học tập của của con, em đồng bào dân tộc. Chúng tôi cũng chủ động tham mưu triển khai các chính sách kịp thời đến người học”.

Các chính sách về giáo dục thay đổi đã góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển giáo dục vùng cao.

Năm học 2023 – 2024, các trường học bán trú tại xã đã về đích nông thôn mới của Lào Cai đón nhận thêm tin vui khi Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh chính thức có hiệu lực. Theo đó, học sinh mà bản thân, bố, mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực III đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới được hỗ trợ tiền ăn. Trẻ từ 24 tháng trở lên đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập mà bản thân, bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại các xã khu vực III đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cũng sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa. Đây là nguồn lực quan trọng giúp các trường bán trú vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì, để trẻ vùng khó khăn được tiếp thêm động lực đến trường./.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết