Laocaitv.vn - Trong bối cảnh hiện nay, khi các giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một dần theo thời gian thì lại không ít trường học vùng cao của tỉnh Lào Cai, các thầy cô giáo đã khéo léo lồng ghép việc giới thiệu bản sắc văn hóa vào các tiết học, hướng tới bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cũng từ đó, mô hình Trường học văn hóa gắn với cộng đồng đã ra đời và tạo ra hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở những địa bàn còn nhiều khó khăn.
Học sinh tham gia ngoại khóa múa gậy sinh tiền.
Năm học 2020 - 2021, múa gậy sinh tiền được đưa vào nội dung hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Đây là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Đa phần các em đều rất hứng thú với điệu múa độc đáo này và trải qua hơn 1 học kì tập luyện, học sinh đã múa khá thành thục. “Chúng em rất vui khi bản sắc văn hóa của dân tộc mình được đưa vào các tiết học, các góc trang trí lớp và cả các hoạt động ngoại khóa. Lớp em thì không chỉ có dân tộc Mông mà còn có cả các bạn người Dao. Chúng em rất đoàn kết và vui vì được trải nghiệm nhiều hoạt động cùng nhau”, em Thào Tố Trâm, học sinh lớp 7B, Trường THCS Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết.
Thay cho dạy học trên lớp như trước kia, cô giáo Nguyễn Thanh Huyền đã tổ chức tiết học Âm nhạc ngay trong Phòng Truyền thống của nhà trường. Những mô hình nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số, có trang phục và nhạc cụ truyền thống của các dân tộc sẽ là những dụng cụ trực quan để tiết học thêm phần sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn với cả cô và trò. “Bản thân tôi cũng tự phải nghiên cứu, học hỏi, đưa các em đến tận nhà các nghệ nhân trong thôn, xã để cùng tìm hiểu, cùng chia sẻ làm sao để các em hiểu hơn và ngày càng gần hơn với bản sắc văn hóa của cộng đồng mình”, cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, giáo viên dạy Âm nhạc Trường THCS Na Lốc chia sẻ.
Học sinh tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc.
Trường THCS Na Lốc có hơn 250 em học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông và người Dao. Từ thực tế đó, nhà trường đã quyết tâm xây dựng mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng. Manh nha hình thành từ năm 2014, tuy nhiên, phải đến vài năm trở lại đây nhà trường mới xây dựng được rõ nét mô hình trường học thực tiễn này. “Nhà trường đã xây dựng được một bộ tài liệu. Chúng tôi bám sát tài liệu này để triển khai dạy các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc… Tất cả giáo viên và học sinh phải cùng tham gia chứ không phải một thầy cô hay một nhóm nào cả”, thầy giáo Vũ Văn Thành, Hiệu trường Trường THCS Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương nhấn mạnh.
Học sinh hào hứng tham gia các trò chơi truyền thống.
Việc xây dựng các trường học đa văn hóa như vừa đề cập đã góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm qua. Nhờ có mô hình này tỉ lệ chuyên cần ở các trường vùng cao luôn đạt trên 95%. Đặc biệt, thông qua mô hình còn giáo dục cho học sinh biết bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bài, ảnh: Thu Hường - Lâm Thi
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết