Gặp gỡ nữ doanh nhân Hoàng Yến

09:23 27-10-2017 | :3812

Đối diện với nữ doanh nhân Hoàng Yến - Giám đốc Công ty Môi trường Công nghiệp  Hoàng Yến - một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Lào Cai trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường đô thị và cải tạo, chăm sóc cây xanh, điều đầu tiên thu hút ở chị là cách nói năng rành mạch, rõ ràng; sự tính toán sắc sảo, đôi lúc quyết liệt đầy bản lĩnh của một doanh nhân khi liên tục nhấc máy điều hành công việc bẳng những khẩu lệnh ngắn gọn trong một ngày làm việc bận rộn như bao ngày làm việc khác… Vậy nhưng khi cuộc chuyện trò tiếp xúc kéo dài thêm một chút, những ấn tượng ban đầu về người phụ nữ quá sắc sảo trên thương trường ấy dường như nhẹ bỗng, khi nghe những câu chuyện trải lòng đôi lúc tếu táo, có lúc lại trầm lắng, đau đáu nhân tình thế thái về hành trình tìm đích đến của chị. Câu chuyện lúc buồn, lúc vui, đôi khi thoáng chút tự hào cho người tiếp chuyện cảm nhận rằng - ẩn sâu trong người phụ nữ thành đạt ấy dung hoà hai tính cách: một Hoàng Yến mạnh mẽ, muốn "đắp luỹ, xây thành"; và một Hoàng Yến nhỏ bé, khiêm nhường như chiếc lá nhỏ, cố giấu mình đi trong màu xanh bất tận của cây đời, như nhân vật trong bài thơ Xanh lá của Nguyễn Hữu Đại...

Người vá trời lấp bể

Kẻ đắp luỹ xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh.

Vào đời với ước mơ làm một cô giáo dạy văn, Hoàng Yến đã được toại nguyện khi trở thành nữ sinh khoa Ngữ Văn, Trường Cao Đẳng sư phạm Việt Bắc. Sau khi ra trường và đã đi làm được một thời gian ngắn, Hoàng Yến rời công việc ổn định ở quê nhà Mậu A (Yên Bái), ôm con nhỏ theo chồng là cán bộ công an địa bàn lên miền tây Bát Xát – rẻo cao đa sắc tộc và gian khó nhất tỉnh Lào Cai khi ấy để lập nghiệp.

Cuộc "hợp lý hoá" công việc và gia đình trên vùng đất mới ấy, tưởng chừng sẽ giúp vơi bớt khó khăn, kỳ thực lại là những năm tháng nằm gai nếm mật. Chồng chị - người chiến sỹ công an địa bàn vùng cao vẫn biền biệt xa nhà. Tiếng là vợ chồng cùng một huyện, nhưng những cuộc đoàn viên ngắn ngủi thì cả tuần, thậm chí cả tháng mới diễn ra một lần. Mọi công việc gia đình dồn lên vai người vợ trẻ với hai con nhỏ. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, chị phải xoay đủ mọi công việc có thể kiếm ra tiền: mở quầy tạp hoá bán sỉ và bán lẻ; làm thợ may vá quần áo cho bà con quanh vùng... Cuộc sống vật chất rồi cũng dễ thở được đôi chút, nhưng thẳm sâu trong chị vẫn chông chênh một nỗi nhớ - nhớ bảng, nhớ phấn, nhớ bục giảng, học trò! Để thỏa nối nhớ nghề, Hoàng Yến chỉ còn cách nhận thêm việc dạy kèm môn ngữ văn cho học sinh trong khu vực thị trấn khi có phụ huynh yêu cầu...

Ước mơ đã trở lại vào năm 1997, khi Hoàng Yến được Phòng Giáo dục và Đào tạo Bát Xát nhận vào làm việc, phân công dạy tại Trường Phổ thông Cơ sở xã Bản Qua. Sáu năm không theo nghề, đứng lớp, cũng không ít những ì xèo, nghi ngại... nhưng ngọn lửa đam mê bao năm âm thầm ươm ủ được thổi bùng lên đã giúp cô giáo văn Hoàng Yến có được những trang giáo án, bài giảng đi vào tâm trí học trò ngay trong những buổi đầu tiên đứng trên bục giảng. Chỉ 04 tháng sau ngày nhận việc, cô giáo Hoàng Yến đã đăng ký tham gia Hội giảng, lần lượt chinh phục các danh hiệu giáo viên dậy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chính thức nhận trách nhiệm tổ trưởng tổ THCS của trường. Và chỉ một năm sau, Hoàng Yến đã được giao giữ chức Phó hiệu Trưởng Trường Phổ thông Cơ sở Bản Qua. Đến giờ, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian đứng trên bục giảng, nữ doanh nhân dạn dày bản lĩnh thương trường vẫn khẳng định đó là quãng thời gian đẹp nhất - một thời tuổi trẻ, chị và các đồng nghiệp đã cháy hết mình vì học sinh, lăn lộn với lớp, với trường, với nghề một cách “say” nhất,  và cũng “tình người” nhất!

Chị khúc khích kể về cái “say” đầu tiên của mình trên cương vị Phó Hiệu trưởng là khi hứa quyết tâm với Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tranh giải quán quân Hội khỏe Phù Đổng với Trường Phổ thông Cơ sở Thị trấn. Học trò vùng cao thiếu ăn, còi cọc, sức không lại được với học sinh thị trấn được chăm sóc đầy đủ; nhưng lại sẵn tố chất là dẻo dai, phù hợp với các môn thể thao dân tộc và những môn thi đấu tập thể, chỉ cần bồi dưỡng và luyện tập đều là sẽ ăn đứt học trò phố huyện. Chị không khỏi đỏ mặt khi nhớ lại mình đã "liều" như thế nào khi dám xông vào Công an huyện và Đồn biên phòng 257 xin  gạo, xin đường sữa về bồi dưỡng cho các em luyện tập. Sẵn nghề nghề may vá trước đây, chị và giáo viên trong trường may đồng phục thi đấu cho toàn đoàn - một việc khá "ngông" với một trường vùng cao thời đó. Thời gian chuẩn bị chỉ còn nửa tháng. Trong nửa tháng đó, chị và các giáo viên trong trường tự tay nấu nướng phục vụ các em, rồi lại cùng các em khổ luyện mỗi buổi trưa, buổi tối. Kết quả thật bất ngờ - lần đầu tiên, không phải là trường Thị trấn, mà trường Phổ thông Cơ sở Bản Qua lên bục nhân giải quán quân toàn đoàn tại Hội khỏe Phù đổng toàn huyện năm 1999.

Chuyển về làm chuyên viên của Phòng Giáo dục huyện Bát Xát, chị  mang theo cả chất “say” thời ở trường khi "lên huyện". Tham gia vào tổ cốt cán của ngành, Hoàng Yến khởi xướng việc mở các lớp chuyên đề, mời những giáo viên ưu tú, dày dặn cả về kiến thức và kinh nghiệm cô Chí ở Trường Trung học cơ sở Lê Quí Đôn;  thầy Thắng, thầy Hương ở Sở Giáo dục - Đào tạo vào Bát Xát truyền đạt kinh nghiệm cho các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Mùa thi tài đầu tiên sau khi mở các lớp đó, khối các môn xã hội bậc Trung học cơ sở của huyện Bát Xát đã đạt liền 03 giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Kể lại hai câu chuyện trên, cũng là để Hoàng Yến bộc bạch niềm đinh ninh lâu nay của chị - rằng đừng nhìn trẻ em vùng cao, người vùng cao bằng ánh mắt chiếu cố. Chỉ là do điều kiện khó khăn, chưa được khơi dậy những khả năng tiềm ẩn, chứ học sinh vùng cao, người vùng cao không thua kém người ở bất cứ nơi đâu về cả quyết tâm và trí lực.  

Cũng trong những năm làm chuyên viên ở Phòng Giáo dục, Hoàng Yến  được giao một trách nhiệm nặng nề hơn, là phụ trách phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ tại 04 xã cực tây của huyện Bát Xát. Chỉ có những người trong cuộc, từng chứng kiến những bước đi của ngành Giáo dục Lào Cai từ những năm đầu tái lập tỉnh mới thấu hiểu nhiệm vụ ấy cam go, vất vả chừng nào với một cán bộ nữ. Đúng thời điểm ấy, chồng lại được cử đi học, địa bàn phụ trách vừa rộng vừa xa huyện lỵ, trong khi  hai cô con gái nhỏ đang rất cần bàn tay dìu dắt của mẹ... nhưng Hoàng Yến bảo - đấy là thời điểm men "say nghề" trong chị bùng lên mạnh mẽ nhất.

Thời đó, từ Mường Hum trở đi chỉ có đường mòn. Gửi hai con cho đồng nghiệp hay hàng xóm, Hoàng Yến thường bắt đầu hành trình thân gái dặm trường bằng xe máy, đến Mường Hum thì gửi xe, đeo giày đi xuyên rừng già, ngược núi hàng chục cây số tới các xã Pa Cheo, Nậm Pung, Trung Lèng Hồ và Dền Thàng. Dầy đặc những chuyến đi như thế, mỗi chuyến đi thường kéo dài cả tuần, thậm chí cả nửa tháng. Kỉ niệm không vui mà cũng đáng nhớ nhất là lần chị phát hiện điểm trường ở thôn Ngải Thầu Thượng (xã Dền Thàng) vẫn bố trí  giáo viên cắm bản nhưng gần nửa năm lớp học bỏ không bởi các thầy cô giáo không vận động được học sinh đến lớp. Hiệu trưởng sợ bị khiển trách nên dẫn chị đi bộ lòng vòng suốt từ mờ sáng đến xẩm tối để mong chị bỏ cuộc. Đêm đó, chị đã ở lại để hôm sau chứng kiến cảnh lớp học lặng lẽ không tiếng bóng học trò. Mồ hôi, và  cả nước mắt chị đã rơi trên lối mòn giữa đại ngàn thăm thẳm. Khóc vì thương con, vì nhiều lúc cảm thấy bất lực, dường như công sức của mình và bao cô giáo cắm bản đang bị những hủ tục lạc hậu đẩy tuột theo dòng lũ. Ngay cả khi một mình tức tưởi giữa rừng, chị vẫn tin rằng - chỉ còn cách khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng trong việc lập hồ sơ phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, mới có thể tham mưu cho ngành và cho huyện những giải pháp phù hợp để huy động cả trẻ em và người lớn cùng ra lớp.

Khi hồ sơ  hướng tới mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ của huyện Bát Xát cơ bản hoàn chỉnh, nền nếp dạy và học ở các trường được duy trì tốt hơn, công việc ở Phòng Giáo dục huyện chừng cũng ổn định hơn, nhưng là người trót ngấm cái men "say nghề", Hoàng Yến khó bằng lòng với sự phẳng lặng trong công việc. Chị đã tỏ ra mạnh bạo khi đề xuất thay đổi việc đánh giá, xếp loại giờ dạy và giáo viên. Chọn lại thành phần Ban Giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện; giám khảo sẵn sàng đứng lớp dạy mẫu khi các giáo viên bị xếp loại yếu, giúp giáo viên đạt danh hiệu bằng cách dự thêm giờ giảng chứ kiên quyết không nâng điểm của giờ giảng đã dự… Thay đổi này không chỉ xoá bỏ được việc “xin - cho” trong việc đánh giá, phân loại giáo viên, mà còn giúp mặt bằng trình độ giáo viên bậc tiểu học và trung học cơ sở của huyện được nâng lên, khuyến khích được nhiều giáo viên trẻ nhiệt huyết với nghề.

Câu chuyện về những năm tháng theo nghề giáo của Hoàng Yến tưởng như bất tận. Chị chợt lặng đi khi nói rằng - chẳng rõ người chọn nghề hay nghề chọn người. Tâm nguyện một đời gắn bó với nghề sư phạm, nhưng yêu cầu tổ chức lại đưa Hoàng Yến sang một ngả rẽ khác - với hai lần giữ cương vị Phó Chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân - Ủỷ ban Nhân dân, của huyện Bát Xát và của Thành phố Lào Cai; rồi Trưởng phòng Nội vụ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy… Vừa làm quen với công việc này đã lập tức phải chuyển sang nhiệm vụ mới. "Số không an cư", một phần vì yêu cầu tổ chức, một phần vì chính bản thân chị - dù cương vị cao thấp, việc gì cũng muốn dấn thân hết mình. Có lẽ vì thế mà mỗi nơi chỉ một vài năm, thậm chí mấy tháng cũng đọng lại cho chị vô số kỷ niệm. Công tác thi đua, tưởng khá là vui vẻ, nhưng nếu thực sự hết mình sẽ có nhiều chuyện vô cùng sâu lắng, như việc chị đề xuất hoàn thành hồ sơ công nhận liệt sỹ Hoàng Sào – một cán bộ ưu tú đầu tiên của tỉnh Lào Cai đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp là Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hồ sơ dày dặn, nhưng có lẽ chưa đủ để thấm hết nước mắt của người thân, đồng đội của ông. Cũng trong công tác thi đua, một niềm tự hào nữa của Hoàng Yến là với nhiệm vụ thường trực Ban thi đua khen thưởng của Thành phố đã góp phần công sức cùng cấp ủy, chính quyền Thành phố Lào Cai hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Thành Phố Anh hùng trong thời kỳ đổi mới  và chính thức đón nhận danh hiệu cao quí này vào tháng 10 năm 2015.

Chân dung doanh nhân Hoàng Yến.

Thời gian miệt mài trôi cùng công việc. Đã trải qua những năm tháng mê say nhiệt huyết cùng nghề giáo, những công việc cạo giấy tưởng chừng khô khan mà cũng chất chứa nỗi niềm sâu lắng; và cả những khi mũ áo công danh mà cuộc đời khoác lên mình, nhìn hai cô con gái nhỏ giờ đã trưởng thành, Hoàng Yến muốn được làm tiếp một công việc gì đó thật giản dị cho cuộc đời. Việc yêu thích nhất là trở lại bục giảng, thời gian không cho chị còn cơ hội, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các con và nhất là người chồng bao năm nay luôn lặng lẽ đồng hành, Hoàng Yến đã quyết định tìm một ngả rẽ khác - từ bỏ công việc Nhà nước mà nhiều người ao ước để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh.

Gần 50 tuổi mới dấn bước vào thương trường, cái mạnh mẽ phiêu lưu của tuổi trẻ không còn, nhưng chất men say công việc vẫn vẹn nguyên, cùng với sự đằm chín và những kinh nghiệm công tác của chị đã giúp Công ty Môi trường Công nghiệp Hoàng Yến phát triển nhanh và vững vàng. Công ty của chị đăng ký hoạt động tới 6 loại hình dịch vụ, nhưng chị chủ trương đi sâu vào ba lĩnh vực cốt lõi là vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường đô thị và cải tạo - chăm sóc cây xanh. Lào Cai đang phát triển nhanh, mạnh, nhu cầu làm đẹp cuộc sống như vô tận, đó là thời cơ mà chị đã lựa chọn đúng. Tuy nhiên, vào nghề mới hay thách thức cũng ngày một lớn lên - một thị trường nhỏ mà có tới mấy chục công ty cung cấp dịch vụ thì phải chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt. Tính cách vừa mạnh mẽ, quyết đoán, vừa ẩn chứa một chút mềm mại, nhân văn của người từng là cô giáo dạy văn đã giúp Hoàng Yến đã lần lượt vượt qua nhiều đối thủ khác trong lĩnh vực vệ sinh môi trường công nghiệp, chiếm lĩnh thị trường và mở rộng thị phần. Thời điểm năm 2011, khi mới thành lập,  địa bàn hoạt động của Công ty rất hẹp, đến nay đã có tổng cộng gần 2.000 hộ gia đình cá thể và trên 500 cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ của Công Ty Môi trường Công nghiệp Hoàng Yến. Trong đó, có 26 đầu mối ký hợp đồng dài hạn, gồm 09 Bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến quận; 16 trụ sở hợp khối và đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ ngành tại địa bàn Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên và Lai Châu.

hoang yen2_1

Một buổi họp toàn thể Công ty.

Để xác lập vị trí là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường công nghiệp, vệ sinh môi trường đô thị của tỉnh, từ lúc sơ khai hoạt động, Hoàng Yến đã lấy phương châm “ Phát triển quy mô từ nhỏ đến lớn; Lấy chất lượng tạo uy tín; Chia sẻ lợi nhuận phục vụ nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội” làm chiến lược phát triển của Công ty. Làm kinh doanh, dĩ nhiên mục tiêu đầu tiên hướng tới là hiệu quả và lợi nhuận. Vậy nhưng, để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với người lao động, đồng thời xây dựng uy tín, củng cố thương hiệu vững chắc, nguyên tắc sử dụng con người của Hoàng Yến là chỉ sử dụng lao động địa phương; đào tạo và rèn luyện không ngừng để có đội ngũ nhân công chuyên nghiệp; trang thiết bị bảo hộ lao động được đầu tư đồng bộ và hiện đại; bộ máy nòng cốt thật tinh gọn, phù hợp quy mô phát triển của công ty…

Nghề làm đẹp cuộc sống, quan trọng nhất là con người. Sự tận tình, chuyên nghiệp và khéo léo trong những công việc vừa bình dị vừa sáng tạo như dọn dẹp vệ sinh, tỉa cây, chăm hoa... của người lao động đã mang lại uy tín cho Công ty và cũng cho chính người lao động. Từ chỗ chỉ sử dụng vẻn vẹn 02 nhân công khi mới thành lập, hiện Công Ty Môi trường Công nghiệp Hoàng Yến đảm bảo việc làm  thường xuyên 236 lao động ( chủ yếu là lao động nữ, người có hoàn cảnh tương đối khó khăn). Các khoản lương, thưởng, bảo hiểm của người lao động luôn được Công ty thanh toán dứt điểm, đúng kì hạn.

hoangyen3_1

Công nhân Công ty môi trường công nghiệp Hoàng Yến.

Xa bục giảng đã cả chục năm, đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt, nhưng hình ảnh những học sinh vùng cao thiếu thốn đủ bề vẫn chưa phai lạt trong tâm trí Hoàng Yến. Niềm tin nghề giáo vẫn hằng đinh ninh trong chị, rằng chỉ là do điều kiện khó khăn, chưa được khơi dậy những khả năng tiềm ẩn, chứ học sinh vùng cao, người vùng cao không thua kém người ở bất cứ nơi đâu về cả quyết tâm và trí lực. Sống với tâm nguyện ấy, hàng năm Công ty của chị luôn trích một phần lợi nhuận của mình để tham gia công tác từ thiện. Hoàng Yến đã trở lại những nơi khó khăn ngày xưa chị đã từng đi qua. Không còn phải đi bộ cả ngày trên đường mòn xuyên rừng leo dốc, trường lớp đâu đâu cũng khang trang và đông vui học trò. Nước mắt chị nhiều khi vẫn ứa chảy - nước mắt của niềm vui bởi sự thay đổi của vùng cao bao năm gắn bó, bởi chính mình đã làm được một việc nhỏ là góp phần ươm ủ cho ước mơ của trẻ em vùng cao, bằng những việc thiết thực như hỗ trợ quần áo, chăn ấm, giầy dép, nồi cơm điện... dù rằng số tiền đóng góp ấy không hề nhỏ, từ vài chục lên tới cả trăm triệu đồng trong mỗi chuyến đi thiện nguyện.

Trong suốt câu chuyện của mình, Hoàng Yến coi mọi thứ chị có và đã trải qua như điều đương nhiên phải thế… Hoàng Yến dí dỏm hơn với tổng kết về cuộc đời mình, đi từ nghề giáo cao quý tới "nghề nhặt rác" - theo đúng cách nói của chị.

Vâng, cuộc đời này không thể thiếu những người, thiếu những lúc con người ta cần xây lũy đắp thành. Cũng không thể thiếu những cánh lá mỏng manh chỉ biết mình cần xanh nhất có thể. Và ai biết ai hay, khi sánh so những thành lũy điệp trùng với ngút ngàn rừng thẳm, được gom lại từ ức triệu lá xanh, liệu rằng có phép cân đo nào chuẩn xác!

 Hoàng An

 

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết