Gia tăng bệnh nhân tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

08:49 25-09-2019 | :1277

Laocaitv.vn - Từ đầu tháng 9 đến nay, trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị gia tăng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Các bác sĩ cảnh báo, bước vào năm học mới cùng thời tiết thay đổi là nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Lào Cai trong những ngày này luôn có trên 10  bệnh nhi đang điều trị bệnh tay chân miệng, các bé chủ yếu trong độ tuổi mẫu giáo. Số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng cả nội trú lẫn ngoại trú tăng nhanh và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng, tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn rất nhiều so với những tháng hè. Khoa đã bố trí một khu vực dành riêng để điều trị bệnh tay chân miệng, tránh lây lan cho các bệnh nhi khác.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nếu trong những tháng trước đây chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác, thì tháng 8 và tháng 9 năm nay, số lượng bệnh nhân có dấu hiệu tăng. Đặc biệt, trung tuần tháng 9 đã xuất hiện một chùm 27 ca bệnh tại trường mầm non các xã Xuân Giao và Phú Nhuận của huyện Bảo Thắng. Mặc dù các ca bệnh đều đã được điều trị ổn định, nhưng các bác sĩ cảnh báo, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa, sẽ lây lan rất nhanh nếu phụ huynh và các trường học không có biện pháp phòng ngừa.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tay chân miệng tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Phương Hiền)

Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Phụ huynh nên để ý các dấu hiệu mắc bệnh của trẻ để cách ly, tránh lây bệnh cho trẻ khác.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường sốt, loét miệng, nổi hồng ban, mụn nước lòng bàn tay, bàn chân... Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú,… thì cần nhập viện ngay bởi đây là những dấu hiệu bệnh trở nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc-xin phòng bệnh; do vậy, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ và cách ly với trẻ bị bệnh vẫn chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.

Phương Hiền


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết