Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế

20:20 21-02-2025 | :73

  

Laocaitv.vn - Ngày 21/02, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Ngày 08/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; tiếp đó, ngày 05/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Tại Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD.

Theo dự báo, năm 2025, khó khăn, thách thức nhiều hơn nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới, có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế nước ta.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Đây là nội dung rất mới, do vậy phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Phải “nhìn xa trông rộng”, “nghĩ sâu làm lớn”, “ứng phó kịp thời, hiệu quả”. Để làm được điều này, cần đổi mới tư duy, cách làm, sáng tạo, linh hoạt; huy động nguồn lực của Nhân dân; tăng cường đoàn kết, hợp tác; phát huy tính tự lực tự cường; tranh thủ thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành động lực. Phải làm mới các động lực truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và khai thác các không gian phát triển mới.

 Lương Mạnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết