Hội nghị trực tuyến toàn quốc, đánh giá công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

16:03 13-05-2019 | :222

Laocaitv.vn - Sáng ngày 13/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, đánh giá tình hình và công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Dự và chủ trì hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tham gia hội nghị trực tuyến.

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại Việt Nam vào đầu tháng 2 năm 2019, đến nay dịch bệnh nguy hiểm này đã lây lan ra 29 tỉnh, thành phố với 2 nghìn 296 xã có lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy trên 1 triệu 200 nghìn con. Mặc dù số lợn buộc phải tiêu hủy chủ yếu bùng phát ở những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và số lợn này chỉ chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước, nhưng đây là dịch bệnh có mức độ lây lan nhanh, khó kiểm soát nhất từ trước đến nay. Qua hơn 3 tháng bùng phát, một số tỉnh, thành đã qua thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh trong vòng 30 ngày và đã có tỉnh công bố hết dịch nhưng chỉ trong thời gian ngắn, dịch đã quay trở lại, bùng phát ở mức độ nguy hiểm hơn. Điều này cho thấy, nếu dịch không được kiểm soát tốt, sẽ tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước cũng như xuất khẩu. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập các trạm kiểm soát vận chuyển, tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn. Tuy nhiên, vi rút gây bệnh có thời gian tồn tại trong nhiều môi trường và thời gian kéo dài nên việc kiểm soát đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt. Qua chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi cũng đang bộc lộ những tồn tại, bất cập, đó là công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch có địa phương chưa được thực hiện kịp thời. Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa triệt để; chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh; việc sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu…

 Đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhiễm vào tỉnh Lào Cai

Tại tỉnh Lào Cai, đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhiễm vào đàn lợn của địa phương. Ở tất cả các tuyến giao thông ra, vào địa bàn tỉnh và các huyện, thành phố đều thành lập các tổ, chốt kiểm dịch, nhằm kiểm soát tốt việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn. Có đến hơn 93% số hộ chăn nuôi đang thực hiện rắc vôi bột khử trùng cũng như có nhiều biện pháp bảo vệ đàn lợn tránh sự xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Thảo luận tại hội nghị trực tuyến, các địa phương kiếm nghị Chính phủ, Bộ NN7PTNT cùng các bộ, ngành trung ương xem xét đến cơ chế hỗ trợ hộ dân có lợn bệnh buộc phải tiêu hủy, chính sách đối với lực lượng liên ngành tham gia các tổ, chốt kiểm dịch động vật, hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành giết mổ lợn an toàn, cấp đông để cung ứng vào dịp cuối năm, tránh gây rối loạn thị trường thịt lợn.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò chủ động của Bộ NN&PTNT trong việc chỉ đạo các địa phương nỗ lực phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của nhiều địa phương thì cũng còn một số tỉnh, chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi, đó là chống dịch như chống giặc.

Việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi còn kéo dài, vì vậy, theo Phó Thủ tướng, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức mua, giết mổ, bảo quản lợn an toàn để đủ cung cấp ra thị trường vào dịp cuối năm. Đồng thời, các địa phương tiến tới xây dựng cơ sở, chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học, là điều kiện để phát triển chăn nuôi an toàn.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết