Laocaitv.vn - Nhiều năm qua, việc xâm lấn đất rừng, phá rừng ở Sa Pa vẫn xảy ra do xuất phát từ việc phân giới cắm mốc chưa rõ ràng, chồng lấn giữa rừng của Nhà nước và rừng sản xuất của người dân. Nhằm khắc phục tình trạng trên, huyện Sa Pa đã phối hợp với các ngành hoàn thành việc rà soát, phân giới cắm mốc đối với 8 xã. Tuy nhiên, do chậm làm thủ tục cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đã gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.
Theo thống kê của ngành Lâm nghiệp, toàn huyện Sa Pa có trên 5.000 ha đất lâm nghiệp chồng chéo giữa đất rừng phòng hộ với đất do người dân quản lý. Từ đó dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước; xảy ra việc xâm lấn đất rừng, phá rừng và khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án. Theo ông Bùi Quang Thành, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, do phân chia không rõ ràng giữa các chủ sử dụng đất dẫn tới tình trạng xảy ra tranh chấp; một số đối tượng đã lợi dụng để lấn chiếm rừng phòng hộ, phá rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chủ quản.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, năm 2014, UBND huyện Sa Pa đã thành lập một tổ công tác gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ - Hạt Kiểm lâm, phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã và người dân tổ chức rà soát cắm mốc tại thực địa. Quá trình cắm mốc gặp không ít khó khăn do trước đây việc giao đất chưa cụ thể, chi tiết, mốc giới không rõ ràng mà chỉ dựa trên địa hình, các đỉnh đồi, khe suối, đo bằng mắt, vẽ bằng tay, chưa có ký kết giáp ranh nên nhiều diện tích chồng lấn bà con đã sản xuất canh tác...
Việc cắm mốc phân giới đất lâm nghiệp đã được huyện Sa Pa thực hiện từ lâu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý.
Sau hơn 4 năm thực hiện rà soát, điều chỉnh, cắm mốc, thời điểm hiện tại đã hoàn thành cắm mốc 10 xã, trong đó 8 xã đã hoàn thiện hồ sơ. Cuối năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa có công văn đề nghị UBND tỉnh Lào Cai, Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh diện tích đất rừng phòng hộ tại huyện Sa Pa theo kết quả đo đạc, cắm mốc tại thực địa đối với 5 xã là Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Tả Phìn, Trung Chải và Bản Phùng. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ sau điều chỉnh giảm gần 1.660 ha. Tuy nhiên, đến nay chưa một xã nào được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Bùi Quang Thành cho biết thêm: "Hiện tại, chủ sử dụng đất chưa được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên vẫn phải sử dụng giấy chứng nhận cũ nhưng có những diện tích đất bị chồng chéo, từ đó xảy ra tranh chấp và gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng của một số dự án".
Việc tổ chức phân giới cắm mốc lại diện tích rừng phòng hộ có ý nghĩa quan trọng, do vậy các ngành chức năng cần sớm hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để địa phương thuận lợi hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tạo điều kiện để phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Thế Văn - Quang Ánh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết