Không để "vốn đợi công trình"

14:52 16-09-2023 | :259

Laocaitv.vn - Năm 2023, tổng số vốn đầu tư công của Lào Cai là 6.560 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 8, toàn tỉnh mới giải ngân được một nửa số vốn này. Để hoàn thành giải ngân ít nhất 95% trước khi năm kế hoạch 2023 khép lại, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng Lào Cai cần giải ngân 800 tỷ đồng. Đây là thách thức không nhỏ cho tỉnh khi nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Bởi vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, thì việc dồn sức thi công, đẩy nhanh tiến độ, khối lượng hoàn thành đối với các công trình là nhiệm vụ trọng tâm.

* Vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng 

Tính đến hết tháng 8/2023, Lào Cai có 213 công trình, dự án đang tiến hành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng hiện nay khá chậm, mới đạt được 31,2% so với kế hoạch đề ra. Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng được xem là trở ngại lớn nhất tác động đến tiến độ triển khai các dự án và điều này cũng đồng nghĩa với việc làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng được xem là trở ngại lớn nhất.

Dự án san gạt mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 1, 2, phường Băc Cường, thành phố Lào Cai. Cho đến nay, cơ bản các hạng mục chính đều đã hoàn thành, nhưng chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do 11 hộ dân chưa đồng thuận với phương án tái định cư và dự án buộc phải kéo dài thời gian thi công. Bà Ngô Thị Ngọc, tổ 1, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai nói: “Không đi không phải là không chấp hành Nhà nước. Đất các bà ở đây mà lại lấy bán cho chỗ khác về ở để các bà đi chỗ khác thì các bà không đồng ý”.

Còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án tái định cư và dự án buộc phải kéo dài thời gian thi công. 

Với 75 dự án đang triển khai, tổng diện tích lên đến gần 30.000 ha, tuy nhiên, hầu hết các dự án trên địa bàn thành phố Lào Cai đều chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Những bất cập về chính sách, thiếu sự đồng thuận của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai tại nhiều nơi chưa chặt chẽ, việc mua bán, chia tách và dựng nhà trên đất nông nghiệp còn xảy ra, gây khó khăn cho công tác thống kê, đền bù. Ông Nguyễn Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Lào Cai cho biết: “Giải phóng mặt bằng của thành phố Lào Cai khá chậm, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ bàn giao đất cho các nhà đầu tư, dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố. Hiện nay, thành phố đang tăng cường công tác phối hợp, tăng cường vai trò người đứng đấu trong việc phối hợp thực hiện công tác giải phòng mặt bằng”.

Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng được xem là nguyên nhân chính, tác động trực tiếp tới tiến độ thi công, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công trong toàn tỉnh. Xác định đúng nguyên nhân, tập trung chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn này đang được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai.

* Ưu tiên phân bổ vốn cho giải phóng mặt bằng

Ưu tiên nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng là một trong những giải pháp trọng tâm đang được tỉnh tập trung chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện, nhằm tháo gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ, kịp giải ngân nguồn vốn đầu tư công khi thời gian cho năm 2023 không còn nhiều.

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đang nỗ lực phấn đấu tăng tỷ lệ giái ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất.

Đạt gần 60% kế hoạch vốn giao, Bảo Thắng hiện là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả này là do địa phương đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tập trung gỡ khó, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng; đồng thời đề cao trách nhiệm của cán bộ phụ trách trong việc đôn đốc, phối hợp với chủ đầu tư. “Chúng tôi phân công, giao nhiệm vụ cho các thành viên ủy ban đi đôn đốc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các xã, thị trấn để đẩy nhanh từ công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng cho đến việc thực hiện dự án", ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng nói.

Ưu tiên nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng là một trong những giải pháp trọng tâm.

Với quyết tâm phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt từ 95% trở lên, UBND tỉnh sát sao từng ngày trong công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhiều cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó liên quan đến giải phóng mặt bằng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng... được đề cập; các cuộc kiểm tra, giám sát cũng tiến hành thường xuyên hơn. Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Công tác giải phóng mặt bằng là thẩm quyền của các đại phương. Trong quá trình kiểm tra thì có địa phương làm tốt, cũng có địa phương làm chưa tốt. Cấp uỷ, chính quyền địa phương cần tiếp tục vào cuộc để tháo gỡ điểm nghẽn này".

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đang nỗ lực vượt khó, tích cực phối hợp gỡ khó, phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất.

* Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Trên thực tế, các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh chiếm khoảng 20% số vốn đầu tư công. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải ngân 100% nguồn vốn thuộc các công trình trọng điểm năm 2023 là một trong những giải pháp đang được tỉnh tập trung chỉ đạo, nhất là thời điểm từ nay đến cuối năm.

Các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh chiếm khoảng 20% số vốn đầu tư công.

Dự án đường hạ tầng kết nối thuộc dự án Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược - Bá Sái. Tổng chiều dài toàn tuyến là 3,6 km, tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng. Sau nhiều nỗ lực, nút thắt lớn nhất liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đã được chính quyền địa phương tháo gỡ ngay trong tháng 9 này. Đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 6/2024 sẽ hoàn thành. Anh Hoàng Minh Hiền, Cán bộ kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Trợ Gỗ Tài Anh nói: “Hiện tại, giá trị giải ngân đạt khoảng 1/3 khối lượng. Nếu mặt bằng mà sạch thì doanh nghiệp cam kết khoảng tháng 6/2024 sẽ hoàn thiện".

Đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 6/2024 sẽ hoàn thành. 

Hiện, vướng mắc lớn nhất của dự án đường kết nối là thiếu đất để san lấp mặt bằng, đặc biệt, nhiều diện tích trong vùng dự án có chứa quặng Apatit, vấn đề này đang được tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm có chỉ đạo tháo gỡ. Riêng Dự án cầu Bản Vược - Bá Sái với tổng vốn 280 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý IV năm nay sẽ đảm bảo giải ngân đúng tiến độ. “Mục tiêu giải ngân 100% vốn là 90 tỷ, nếu như chúng tôi đấu thầu được công trình cầu Bản Vược này thì có thể chúng tôi sẽ hoàn thành được nhiệm vụ. Còn những việc trên tuyến này chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, thi công được chỗ nào là sẽ thi công ngay", ông Nguyễn Văn Phiêu, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Lào Cai khẳng định.

Vướng mắc lớn nhất của dự án là thiếu đất để san lấp mặt bằng.

Năm 2023, có 38 dự án giao thông trọng điểm do Sở Giao thông vận tải - Xây dựng làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn 751 tỷ đồng. Sau nhiều chỉ đạo quyết liệt, đến nay, đã giải ngân được 380 tỷ đồng, đạt gần 51% kế hoạch. Hiện toàn ngành đang nỗ lực, quyết tâm đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn trước khi khép lại năm kế hoạch 2023. Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cho biết: “Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị tư vấn, giám sát và quản lý dự án để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Đơn vị nào không đảm bảo thì sẽ bổ sung nhà thầu phụ”.

Cùng với nỗ lực các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, thì nhiệm vụ xuyên suốt và hết sức cấp bách đang được tỉnh Lào Cai chỉ đạo quyết liệt đó là: Giải quyết nhanh gọn thủ tục hồ sơ còn vướng mắc, đẩy mạnh khả năng tiêu thụ vốn, bổ sung mỏ vật liệu. Về con người, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác chỉ đạo, đấy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nhóm phóng viên thời sự 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết