Không thể rút kinh nghiệm mãi sau những vụ bạo hành trẻ bị phanh phui

08:07 30-11-2017 | :967

Laocaitv.vn - Nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét cả trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương để xảy ra bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non tư thục.

Sau khi vụ việc bạo hành trẻ tập thể tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (TP.HCM) bị xử lý, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét cả trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương. Bởi lẽ, chính quyền và ngành chức năng địa phương cấp phép quản lý và có trách nhiệm kiểm tra giám sát các hoạt động các cơ sở này, nên không thể cứ mãi “rút kinh nghiệm” sau những vụ bạo hành trẻ bị phanh phui.

Vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non Mầm Xanh khiến dư luận lên án mạnh mẽ.

Theo Quyết định 41/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục theo đề nghị của Phòng giáo dục và đào tạo.

Chủ nhóm trẻ mẫu giáo chịu trách nhiệm trước chính quyền và cơ quan giáo dục và đào tạo địa phương về toàn bộ hoạt động của trường, lớp do mình làm chủ.

Đội ngũ giáo viên phải có đủ số lượng, đã được đào tạo theo quy định, trong đó nếu lớp mẫu giáo được thành lập có thể chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình, người nuôi dạy trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non tối thiểu 3 tháng do cơ quan quản lý giáo dục địa phương tổ chức.

Tuy nhiên, như vụ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh, qua kiểm tra chỉ có chủ cơ sở là có bằng Cao đẳng Mầm non, 2 người giữ trẻ còn lại không có bằng chuyên môn.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), nêu ý kiến, cần sửa đổi quy định điều kiện mở cơ sở chăm sóc trẻ và các tiêu chuẩn cần thiết của giáo viên ở nhóm lớp trẻ tư thục trông giữ trẻ.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng: “Tiêu chuẩn để thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ em nói chung, trong đó có cơ sở giáo dục mầm non cần quy định chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là đảm bảo sự kiểm soát của tất cả các bên, gồm: cơ quan quản lý, cha mẹ các em và chính những người quản lý các cơ sở này đối với việc chăm sóc trẻ em".

Trong những năm qua, tại một số tỉnh, thành phố xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút số lượng lớn người lao động đến từ các địa phương, làm gia tăng nhu cầu gửi trẻ. Trong khi đó, chính quyền địa phương hầu như chưa quan tâm kế hoạch xây dựng trường mầm non đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng hơn 2 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó hơn 80% trong số này là nữ và hầu hết đều trong độ tuổi có con nhỏ.

Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết, năm 2014, chỉ có khoảng 1/5 số trẻ là con công nhân tại các khu công nghiệp ở TP.HCM được đi học, số còn lại vẫn đang trông chờ các dự án xây dựng trường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với trẻ.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, các địa phương cần có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch quy hoạch xây dựng trường mầm non đảm bảo đủ trường, nhóm lớp mầm non đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời có chế tài xử lý nếu để xảy ra sai phạm, chứ không chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm như hiện nay.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Để đủ trường cho trẻ, chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, phải đặt vấn đề với chính quyền cao hơn để người ta hỗ trợ. Chính phủ, Quốc hội phải bàn đến việc buộc chính quyền các địa phương phải đáp ứng nhu cầu gửi con của dân. Phải có những nghị định, hướng dẫn có tính chất pháp lý buộc người ta phải làm. Khi không làm hoàn thành nhiệm vụ, căn cứ vào đó để quy trách nhiệm”.        

Năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký quyết định phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020", góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.

Mục tiêu của đề án là hỗ trợ xây dựng và phát triển 500 nhóm trẻ độc lập tư thục; 80% số giáo viên, bảo mẫu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ; 70% số trẻ được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng…

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội đề xuất giải pháp là khuyến khích các doanh nghiệp phải mở lớp mầm non. Doanh nghiệp quản lý về nhân sự và ngành chức năng quản lý về chuyên môn:.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương nêu quan điểm: “Chúng ta sẽ quy định, với số lượng nhân viên bao nhiêu thì họ sẽ phải mở một cơ sở mầm non và các công nhân muốn gửi con ở đó vẫn phải trả tiền như bình thường. Các trường mầm non sẽ thuê giáo viên và có chương trình theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo và sẽ được các phòng giáo dục quản lý về mặt chuyên môn. Các công ty sẽ quản lý xem là họ có làm những hành động gây hại cho trẻ hay không. Nếu như có những hành động như vậy, các công ty sẽ bị chính quyền địa phương xử lý”.

Trước mắt, các phụ huynh kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở giữ trẻ tư thục phải lắp đặt camera giám sát các hoạt động.

Về lâu dài, để ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ của các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình thì chính quyền các cấp, ngành giáo dục địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất. Bởi, nhiều chuyên gia cho rằng cần xử lý nghiêm trách nhiệm của đơn vị cấp phép hoạt động cho các cơ sở để xảy ra sai phạm, từ đó sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát đánh giá hoạt động các cơ sở mầm non, tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc như thời gian vừa qua./.

Minh Hường/VOV-Trung tâm Tin


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết