Ký ức chiến trường xưa

05:41 22-12-2019 | :5506

Laocaitv.vn - Là những nhân chứng sống lịch sử, từng góp sức trong những chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Trở về nhà, những người lính Cụ Hồ năm xưa mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh khó lành. Nhưng đối với họ, câu chuyện của những tháng năm rực lửa vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức. Tạm gác lại cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn, quên đi những nỗi đau thương tật, kí ức năm xưa như được sống lại trong mỗi người lính vào dịp kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.

Năm nay bước sang tuổi 92, cụ Cao Đạt ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai là một trong số ít "Chiến sĩ Điện Biên” còn sống trên địa bàn tỉnh. Lật giở từng bức ảnh, xếp ngay ngắn những kỉ vật chiến tranh, người cựu chiến binh già say sưa kể cho chúng tôi về kỷ niệm một thời hào hùng đã qua.

Tuổi cao, sức yếu, lúc nhớ, lúc quên nhưng với cụ, câu chuyện về trận đánh Điện Biên Phủ năm xưa vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức. Cụ vẫn còn nhớ như in giây phút tướng Đờ-Cát chịu đầu hàng và cụ là một trong những người đầu tiên được chứng kiến cảnh tượng đó. Cụ Cao Đạt kể lại, lúc đánh sập hầm Đờ-Cát, cụ đã nhảy lên giao thông hào với niềm vui sướng không gì tả nổi.

Cụ Cao Đạt ôn lại những kỷ niệm chiến trường xưa.

Mùa xuân năm 1971, theo tiếng gọi của miền Nam, ông Nguyễn Văn Thường, xã Cam Đường, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ lên đường nhập ngũ khi vừa bước sang tuổi 19. Sau một thời gian huấn luyện tại Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn I, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Dấu chân của chàng trai miền sơn cước một thời đã in hằn trên những chiến dịch lớn. Mỗi cuộc hành quân, mỗi trận đánh luôn để lại trong ông những những kỷ niệm khó phai. “Đã là người lính thì chỉ có theo lệnh của chỉ huy; tham gia chiến đấu để giành lại đất nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, trong đó có gia đình mình. Chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ thì mới trở về”, ông Thưởng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thường (giữa) kể lại kỷ niệm về các đồng đội xưa.

Trong thời chiến cũng như thời bình, trong quân ngũ hay ngoài cuộc sống đời thường, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì phẩm chất người lính "Bộ đội Cụ Hồ" luôn được phát huy ở cấp độ cao nhất. Rời quân ngũ trở về địa phương, hành trang của người lính là những kỷ vật chiến trường xưa, là những vết thương trên thịt da và những vết hằn trong ký ức. Nhưng hơn hết, hành trang ấy còn có niềm vui đoàn tụ với gia đình, chất chứa khát khao tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Thời gian có thể lấy đi sức khỏe nhưng những ký ức hào hùng về những năm tháng rực lửa vẫn luôn vẹn nguyên trong mỗi người lính. Để rồi, cứ mỗi dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, họ lại thêm một lần được sống lại với những cảm xúc rất đặc biệt ấy. Chính nguồn cảm xúc ấy đã và đang tạo cho những người lính Cụ Hồ sức mạnh để đương đầu với những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

  Trung Kiên - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết