Làm thế nào để tăng cường phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng?

14:24 13-11-2018 | :1030

Laocaitv.vn - Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 2.500 người nhiễm HIV/AIDS sinh sống trong cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, song song với các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng và huy động chính những người có HIV/AIDS cùng chung tay thực hiện luôn được tỉnh Lào Cai chú trọng thực hiện, đạt được nhiều kết quả.

Bệnh nhân điều trị bằng Methadone tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (Ảnh: Cổng TTĐT Sở y tế Lào Cai)

Điểm nhấn trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai chính là số người nhiễm HIV/AIDS đang có xu hướng giảm. 10 tháng của năm nay, toàn tỉnh phát hiện mới gần 300 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, giảm 90 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả trên là do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng và những người nhiễm HIV/AIDS được thực hiện thường xuyên. Trong 10 tháng của năm nay, đã có trên 5 nghìn lượt người được tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV. Đặc biệt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng, tỉnh Lào Cai đã chú trọng huy động chính những người có HIV/AIDS cùng tham gia thông qua các nhóm đồng đẳng. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 13 nhóm đồng đẳng với hàng trăm thành viên là chính những người có HIV/AIDS. Công việc chính của các đồng đẳng viên là tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức và cấp phát dụng cụ an toàn cho những người nằm trong nhóm nguy cơ cao để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng. Truyền thông, tư vấn để cộng đồng bớt cái nhìn định kiến với những người không may có HIV. Thực hiện thu gom các bơm kim tiêm bẩn đã qua sử dụng, đem đi tiêu huỷ.

Trong 10 tháng của năm nay, các nhóm đồng đẳng đã tiếp cận với trên 6.000 người nghiện chất ma túy, phụ nữ mại dâm để tuyên truyền; cấp phát trên 74.000 bơm kim tiêm sạch, bao cao su. Cùng với đó đã có  trên 1.500 người nhiễm HIV/AIDS thực hiện điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại các cơ sở y tế. Các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp đã giúp cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS và những người nằm trong nhóm nguy cơ cao dần thay đổi nhận thức, chú ý thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng.

 Song song với hoạt động tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng, công tác chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương cũng được các cơ quan chuyên môn chú trọng thực hiện. Hiện tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở điều trị, tư vấn dành cho người nhiễm HIV; thực hiện điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai thực hiện mô hình chăm sóc người nhiễm HIV ngay tại cộng đồng… Tại các mô hình này, những người nhiễm HIV/AIDS sẽ được tư vấn, chăm sóc về sức khỏe, các biện pháp can thiệp phòng, chống lây nhiễm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều người bệnh không chủ động hợp tác với các đơn vị y tế để được tư vấn điều trị sớm vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Hoạt động chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS hiện nay chủ yếu là cung ứng đầy đủ thuốc và chăm sóc về thể chất, hầu như chưa có các hoạt động về tinh thần. Nhằm hạn chế thấp nhất số người bị nhiễm HIV mới trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu: 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định. Vào năm 2030 theo mục tiêu của Liên Hợp Quốc, là cơ quan thường trực, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác dự phòng, can thiệp giảm tác hại. Mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để thay đổi cái nhìn của cộng đồng.

Hiện nay HIV/AIDS vẫn là căn bệnh chưa có thuốc chữa trị hoàn toàn. Vì vậy, việc chủ động thực hiện công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết. Để công tác này thật sự hiệu quả thì cần xác định đây không chỉ là trách nhiệm của riêng các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương mà phải bắt đầu từ chính cộng đồng và những người không may có HIV/AIDS. Cùng với đó, cộng đồng xã hội cũng cần có cái nhìn nhân ái với những người nhiễm HIV/AIDS, để họ vượt qua mặc cảm, tránh những hành động tiêu cực, tự tin hòa nhập và tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

 Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết