Lào Cai mong muốn Chính phủ tăng nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:34 06-10-2017 | :431

Trong 2 ngày (4 - 5/10), Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ –TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định tại tỉnh Lào Cai.

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

 

Báo cáo thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của tỉnh nêu rõ: Qua 7 năm triển khai thực hiện cho thấy, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn là một chính sách có ý nghĩa về kinh tế - chính trị - xã hội, hợp với lòng dân, tạo sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp và của cộng đồng xã hội. Điều đó đã khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về học nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, nhu cầu của nhân dân về nâng cao trình độ nghề cho lao động nông thôn.

Mô hình các lớp đào tạo đa dạng từ đào tạo tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến tổ chức đào tạo tại chỗ ngay tại địa phương (nhà văn hóa - nhà học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn) để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tham gia học nghề, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất, lý thuyết với thực hành.

Các cấp ủy, chính quyền đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; tỉnh đã ban hành các chính sách, đề án thúc đẩy đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; ưu tiên, hỗ trợ đào tạo đối với cán bộ, công chức xã.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nội dung để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm gắn với phong trào thi đua chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn sở, ban, ngành của tỉnh rà soát, cân đối nguồn lực để phân bổ cho các huyện, thành phố, đặc biệt là đối với các xã dự kiến hoàn thành nông thôn mới năm 2017. Các huyện, thành phố và 100% số xã đã phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với phát động làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất đến toàn thể nhân dân, tạo không khí thi đua sôi nổi.

Trong 2 năm (2016 – 2017), toàn tỉnh đào tạo nghề cho 27.985/27.800 người, đạt 101% kế hoạch, trong đó: Cao đẳng, trung cấp là 5.897 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 22.088 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chung của toàn tỉnh ước đạt 47,74% năm 2017. Tổng số lao động nông thôn được học nghề là 22.410 người, chiếm 80,1% số người học nghề.

Từ năm 2016 đến hết 9 tháng của năm 2017, số lao động nông thôn tham gia học nghề là 19.325 người. Riêng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956 là 4.237 người.

Năm 2016 - 2017, Sở Nội vụ tiếp tục thực hiện việc đào tạo đạt chuẩn, đào tạo nâng chuẩn, đồng thời tăng cường bồi dưỡng từng chức danh cán bộ, công chức xã theo chương trình, tài liệu do Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, ban hành; số lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng là 2.149 lượt người.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ sở đặt hàng đào tạo theo nhu cầu gắn nhu cầu sử dụng lao động, kết quả đã có trên 17.000 lao động nông thôn có việc làm tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm tại gia đình…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thể phát biểu tại buổi làm việc.

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt với đoàn công tác của Trung ương về những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Lào Cai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị với đoàn, các bộ, ngành Trung ương để tỉnh Lào Cai thực hiện tốt hơn Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ như: Hướng dẫn việc xếp ngạch, bậc lương đối với người tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khi tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước; xếp hạng của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; tăng cường đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang - thiết bị dạy nghề cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập hiện đang còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tăng nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bố trí thêm chỉ tiêu biên chế chuyên trách về dạy nghề cho phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố và giáo viên dạy nghề cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Hằng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông...

Sau khi nghe báo cáo và các kiến nghị của tỉnh, thành viên trong đoàn giám sát phát biểu đề nghị tỉnh Lào Cai làm rõ thêm, đánh giá chi tiết hơn về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có định hướng cụ thể về công tác đào tạo, việc sử dụng lao động sau đào tạo; chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, đây đang là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề; xây dựng chương trình, giáo án mang tính tự chủ đảm bảo phù hợp ngành, nghề đào tạo của địa phương...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, Trường đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, Trưởng đoàn giám sát của Trung ương thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao kết quả tỉnh Lào Cai đã đạt được trong thực hiện Quyết định của Thủ tướng. Đồng thời khẳng định: Tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt việc liên kết đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; có sự gắn kết và bám sát nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp; đối tượng được đào tạo nghề, số lượng người được đào tạo đã vượt chỉ tiêu đề ra của đề án. Tuy nhiên, Lào Cai là tỉnh còn nhiều khó khăn, Ban Chỉ đạo của Trung ương đã có sự nhìn nhận, chia sẻ có kế hoạch cùng tỉnh tháo gỡ với những cơ chế, văn bản để tỉnh thực hiện tốt hơn đề án; tỉnh cũng cần có dự báo bám sát nhu cầu để đảm bảo lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, tăng cường việc đào tạo tại chỗ, phối hợp, liên kết tốt hơn trong công tác đào tạo nghề. Một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai, qua đi kiểm tra thực tế tại cơ sở, Đoàn giám sát của Trung ương sẽ tổng hợp, đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ và giải quyết...

Trước đó, Đoàn giám sát đã đến thăm, kiểm tra công tác đào tạo nghề, sử dụng lao động địa phương đã qua đào tạo nghề tại lớp học nghề nề xây dựng ở xã Hợp Thành, lớp học nấu ăn tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Hợp Thành, Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời (thành phố Lào Cai); Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Đoàn giám sát kiểm tra lớp dạy nghề nề xây dựng tại xã Hợp Thành.
Kiểm tra lớp dạy nấu ăn tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Hợp Thành.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời trình bày phương án, kế hoạch sử dụng lao động địa phương đã qua đào tạo nghề.
Thăm và nghe báo cáo công tác dạy nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai.
 
Ngọc Bộ
Theo baolaocai.vn

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết