Lào Cai nỗ lực nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho trẻ vùng cao

08:22 30-10-2020 | :2249

Laocaitv.vn - Những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Lào Cai được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang chiếm tỷ lệ cao so với trung bình cả nước. Cùng với các biện pháp nỗ lực giúp người dân thoát nghèo, thời gian qua, Lào Cai đã triển khai nhiều chương trình nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, giúp trẻ em nâng cao thể chất, phát triển khỏe mạnh.

Câu lạc bộ Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng được triển khai tại xã Nậm Đét từ năm 2017, với hơn 24 thành viên. Chị Giàng Thị Lan thành viên câu lạc bộ chia sẻ: “Bản thân tôi nhận thấy khi tham gia câu lạc bộ dinh dưỡng có ý nghĩa rất thiết thực nên đã chủ động đăng ký tham gia. Trong các buổi sinh hoạt chúng tôi được chủ nhiệm câu lạc bộ chỉ dạy cho những kiến thức, kỹ năng về cách tô màu bát bột cho trẻ, cách chăm sóc trẻ đúng phương pháp khoa học, biết theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ. Đồng thời, chị em chúng tôi cũng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, khó khăn gặp phải trong việc chăm sóc con cái để giúp nhau cùng tiến bộ”.

Anh Giàng A Sếnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Câu lạc bộ thành lập đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho chị em. Nhiều bà mẹ biết cách chế biến bữa ăn đủ chất để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, qua đó giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, cụ thể năm 2019 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng là 16,4% và thể thấp còi là 20,75%; đến 9 tháng đầu năm 2020, trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng đã giảm xuống còn 15,9% và thể thấp còi còn 19%”.

Trẻ em vùng cao uống Vitamin A định kỳ hằng tháng.

Cũng như xã Nậm Đét, xã Thào Chư Phìn là một trong các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Si Ma Cai. Tổng số hộ nghèo của xã chiếm hơn 51% dân số. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng cho Nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của xã được xét ở mức độ cao so với các địa phương khác, chiếm 24% dân số. Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm các cấp, các ngành và của người dân về tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, xã Thào Chư Phìn đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực và có hiệu quả để nâng cao công tác phòng chống suy dinh dưỡng tại địa phương, trong đó phải kể đến việc tuyên truyền, vận động người dân áp dụng kiến thức và thực hành về dinh dưỡng hợp lý. Do vậy mà tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi năm 2019 đã giảm so với năm 2018. Bác sĩ Phạm Thị Hạ, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Chúng tôi đã triển khai công tác này một cách đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Bộ máy làm công tác dinh dưỡng được củng cố kiện toàn từ tuyến tỉnh, huyện, xã, thôn bản. Công tác chuyên môn nghiệp vụ không ngừng nâng cao. Chủ yếu chúng tôi tổ chức thực hiện là thực hành dinh dưỡng kết hợp với truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai, qua các buổi sinh hoạt nhóm và thăm hộ gia đình, tổ chức cân, đo cho trẻ dưới 5 tuổi, giám sát dinh dưỡng". 

Bên cạnh đó, ngành Y tế tổ chức nhiều chiến dịch cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh tổ chức tốt “Ngày vi chất dinh dưỡng”, “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”, “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển” tại tất cả các xã trong tỉnh đã thu được kết quả nhất định, như bổ sung Vitamin A cho trẻ em đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 98,37%; duy trì 100% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt qua các năm; tỷ lệ phụ nữ mang thai uống viên sắt folic/viên đa vi chất tăng lên 73.5% năm 2020. Hiện nay, Lào Cai đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ và trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng tại 22 xã nông thôn mới. Hiệu quả của mô hình này cho thấy các chỉ số về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em được tăng lên, 100% số trẻ sinh ra được bú sữa mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh, tỷ lệ trẻ ≤ 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn từ 44,38% tăng lên 61,32%, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được ăn bột đủ dinh dưỡng từ 29,19% tăng lên 54%, tỷ lệ bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế từ 80,02% tăng lên 92,28%, tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp <2500g từ 2,29% giảm xuống còn 1,64%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn, thách thức và chưa đạt được một số chỉ tiêu đã đề ra, như tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh Lào Cai hiện vẫn còn ở mức cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) năm 2018 chiếm 33,5% so với toàn quốc (24,2% năm 2017); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) năm 2018 chiếm 18,9% so với toàn quốc (13,4% năm 2017). Đặc biệt tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm (cân nặng/chiều cao) giao động trong khoảng 4,3% hằng năm. Cùng với đó là tỷ lệ suy dinh dưỡng phân bố không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, các yếu tố tác động thay đổi theo từng địa phương. Tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng tăng nhanh ở trẻ trên 5 tuổi và người trưởng thành, đặc biệt là ở thành phố. Những yếu tố nguy cơ này là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm. Dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, dinh dưỡng người bệnh, dinh dưỡng người cao tuổi... chưa được quan tâm đúng mức. Bữa ăn học đường của học sinh, bữa ăn ca của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lượng và thành phần dinh dưỡng. Nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm, tình trạng đói do thiếu nguồn lực sản xuất do thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động sự cố môi trường biển ảnh lớn đến kinh tế, xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.

Để từng bước giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em, Lào Cai đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho người dân giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 để chăm sóc tốt nhất cho các con. Tiến hành kiểm tra định kỳ hằng quý tại các xã để có những kết quả chính xác nhất; phối hợp với các nhà trường thực hiện các chương trình cải thiện bữa ăn cho học sinh; đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy các bà mẹ thực hiện bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ; khuyến khích duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường các hoạt động thể lực, tuyên truyền hướng dẫn người dân phát triển VAC tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm sạch an toàn, giúp cải thiện chất lượng bữa ăn gia đình, sử dụng đa dạng hóa các thực phẩm giàu dinh dưỡng góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người Lào Cai.

Bài, ảnh: Hồng Loan


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết