Laocaitv.vn - Với 53% dân số trong độ tuổi lao động, Lào Cai được đánh giá là thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động. Nhất là trong bối cảnh hàng chục nghìn lao động phổ thông mất việc do dịch Covid-19. Xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch được xem là một trong những giải pháp an toàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đứng ra kết nối, bảo lãnh để người lao động có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp, có nguồn kinh phí trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu lao động.
Theo thống kê, có trên 13.000 lao động làm việc ở các tỉnh, thành khác buộc phải trở về Lào Cai do dịch bệnh. Hầu hết họ là những lao động phổ thông ở các huyện nghèo của tỉnh. Thời gian qua, số lượng người đến Trung tâm dịch vụ việc làm Lào Cai để tìm việc tăng cao. Bên cạnh việc giới thiệu thị trường tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước, trung tâm cũng tư vấn, hướng dẫn người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động. Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai cho biết: “Chúng tôi, đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Nhật Bản, những đơn hàng phù hợp với chất lượng nguồn nhân lực ở Lào Cai. Chi phí đi, học tiếng khá phù hợp, chúng tôi hy vọng trong năm 2022 thị trường lao động đi Nhật bản, Đài loan khởi sắc lên”.
Công ty cổ phần hợp tác quốc tế CEMA tại Hà Nội mong muốn sẽ tuyển dụng được vài trăm lao động phổ thông sang thị trường giàu tiềm năng như: Nhật Bản, Đài Loan làm trong lĩnh vực xây dựng, nhà máy. Với các chính sách hỗ trợ học tiếng; đào tạo nghề; hỗ trợ vay vốn, doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ giúp con đường xuất khẩu lao động trở nên thuận lợi hơn cho lao động vùng sâu, vùng xa. “Công ty tập trung vào thị trường nhật bản, xây dựng làm công trình, nữ làm nhà máy, 2 đối tượng này không cần tay nghề không cao. Người lao động sẽ được hỗ trợ, kinh phí đứng ra vay 100% vốn ngân hàng”- ông Lê Đức Toàn, Giám đốc Công ty CP Hợp tác Quốc tế CEMA cho biết.
Sau 1 năm đi xuất khẩu, người lao động là có thể hoàn lại chi phí đã bỏ ra ban đầu, đây được xem là một trong những con đường thoát nghèo bền vững cho lao động phổ thông ở những vùng khó khăn.
Theo tính toán, chi phí mỗi người lao động phải bỏ ra để đi xuất khẩu lao động từ 100 - 200 triệu đồng. Đây là một khoản không nhỏ đối với nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hiểu được rào cản này, doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đứng ra kết nối, bảo lãnh với các ngân hàng thương mại đảm bảo cho lao động có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp, để họ có nguồn kinh phí trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động, chúng tôi cân đối đủ nguồn vốn. Người dân ở khu vực này có nhu cầu nếu đáp ứng đủ các điều kiện và nguyên tắc cho vay, sẽ được ngân hàng đáp ứng, cho vay theo nghị định 55, 116. Mức cho vay 200 triệu/ hộ”.
Với mức lương hấp dẫn, sau 1 năm đi xuất khẩu, người lao động là có thể hoàn lại chi phí đã bỏ ra ban đầu. Đây được xem là một trong những con đường thoát nghèo bền vững cho lao động phổ thông ở những vùng khó khăn. Ngoài Nhật Bản, Đài Loan, Lào Cai đang tích cực hợp tác với nhiều doanh nghiệp uy tín để đưa lao động xuất khẩu sang thị trường lớn có mức lương cao như: Nga, Rumani.../.
Nhóm PV
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết