Lào Cai với sự tiến bộ của Phụ nữ và bình đẳng giới

06:35 20-10-2018 | :1551

Laocaitv.vn - Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ; thời gian qua các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã không ngừng phấn đấu, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trên các lĩnh vực, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội, đóng góp tích cực cho phát triển của địa phương.

Cụ thể hóa chủ trương về bình đẳng giới

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” và Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2011 - 2020, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Lào Cai (VSTBPN) đã tham mưu UBND tỉnh về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện bình đẳng của phụ nữ (điển hình là Đề án phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030 và một số dự án tiêu biểu khác); chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tham mưu cho tỉnh về việc kiểm tra thực hiện chương trình bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; tham mưu triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng, nhằm đảm bảo các mục tiêu về bình đẳng giới, tăng tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị, quản lý Nhà nước..

Theo Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh – cơ quan thường trực Ban VSTBPN tỉnh, trong những năm qua, Ban VSTBPN đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị cũng chủ động triển khai chương trình hành động VSTBPN; trong đó chú trọng công tác truyền thông, nói chuyện về chuyên đề về giới, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại cơ sở thôn, bản vùng cao, vùng khó khăn; tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng chống bạo lực gia đình cho hàng nghìn người là cán bộ làm công tác lao động thương binh - xã hội cấp xã và cộng tác viên; hàng năm đều tổ chức Lễ phát động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; chỉ đạo phát động sâu rộng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…

Đặc biệt, để rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, miền núi và phụ nữ dân tộc thiểu số; các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, chương trình, đề án nâng cao trình độ, kỹ năng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Theo đó, hàng năm, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo đạt trên 45%, trong đó đào tạo nghề đạt trên 40%; trong các hoạt động nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại, du lịch, tài chính… tỷ lệ nữ lao động luôn chiếm 70%. Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 10.500 lao động nữ, qua đó đã có hơn 70% người có việc làm sau học nghề; tích cực hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh, khởi sự, phát triển doanh nghiệp; thí điểm và nhân rộng 48 mô hình tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tham gia xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với mô hình sản xuất, tiêu dùng sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn. 

Mỗi chị em là một mảnh ghép hoàn hảo của thế giới.

Phát triển trên nhiều lĩnh vực

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, đoàn thể, đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh ngày càng trưởng thành. Ở mọi vị trí công tác và lĩnh vực lao động, phụ nữ đều phát huy tinh thần học hỏi, tính cần cù, sáng tạo trong công việc. Nhất là trong những năm gần đây, các tầng lớp phụ nữ ngày càng tham gia có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Năm 2017, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng ở cấp cơ sở đạt gần 20,92%, cấp huyện, thành phố đạt 21,2%, cấp tỉnh đạt 15,69%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 33,33%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 33,93%, cấp huyện đạt 37,54%, cấp xã đạt 32,07%. Hiện toàn tỉnh có 49 nữ là trưởng, phó ngành và tương đương cấp tỉnh; tỷ lệ lãnh đạo nữ cấp sở, ngành, đoàn thể và tương đương đạt 29%... Có 100% cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục đều đã có ít nhất một đồng chí nữ lãnh đạo, quản lý; trên 60% nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, phụ nữ các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn có nhiều mô hình, cách làm hay, hoạt động hiệu quả được nhân rộng như: phong trào khuyến học, khuyến tài thông qua mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được đẩy mạnh, xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển; tiêu biểu là cô giáo Vàng Thị Gếnh, Trường mầm non xã Mản Thẩn (Si Ma Cai) tự nguyện dạy chữ cho chị em phụ nữ và nhiều tấm gương nữ giáo viên từng ngày từng giờ hết mình vì học sinh thân yêu. Trong phong trào “Khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc” đã hình thành ý thức tự giác luyện tập thể thao trong chị em phụ nữ; nữ cán bộ ngành y tế tích cực thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”… Đồng thời, phụ nữ Lào Cai đã nỗ lực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, khơi dậy các ngành nghề truyền thống. Tiêu biểu là nữ công nhân lao động Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam giai đoạn 2011 - 2017 đã đảm nhận trên 80 công trình, phần việc áp dụng sáng kiến với tổng giá trị làm lợi trên 3 tỷ đồng. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tham mưu triển khai các đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025".

Đặc biệt, phát huy truyền thống yêu nước, chị em tích cực tham gia huấn luyện dân quân tự vệ, đóng góp giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Tiêu biểu là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường Khương đã thành lập mới 13 mô hình “thôn, bản không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”, 18 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, tổ chức các câu lạc bộ theo chuyên đề liên quan, như: Phụ nữ với pháp luật, phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em…; tổ chức vận động chị em phụ nữ tố giác, cung cấp nhiều tin báo quan trọng cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương.

Phụ nữ Lào Cai không những mạnh dạn, tự tin, tự chủ trong phát triển kinh tế mà còn chăm lo xây dựng gia đình. Với nhiệm vụ đột phá “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; hội phụ nữ các cấp đã xây dựng tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn. Từ năm 2011, đã ra mắt 13 câu lạc bộ “nhà sạch, vườn đẹp” trên 9 huyện, thành phố; đến hết 2017 đã có trên 550 câu lạc bộ theo mô hình này. Đặc biệt, với các câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Cha mẹ nuôi dạy con tốt” đã thu hút nhiều thành viên tham gia và được tiếp cận kiến thức và kỹ năng quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, dạy con kỹ năng sống, hướng nghiệp cho con, chia sẻ trách nhiệm cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.

Các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục nêu cao quyết tâm thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; chú trọng rà soát, nắm bắt cơ sở, nhất là tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền những nội dung liên quan đến phụ nữ và công tác hội.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng trong những năm tới, Hội phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục giữ vững đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào thi đua; phát huy truyền thống, trí tuệ và sức sáng tạo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới; góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc./.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết