Lao động đặc thù của nghề báo

14:45 07-09-2017 | :7366

Laocaitv.vn - Bất kể một ngành nghề nào trong xã hội cũng đều đòi hỏi phải có sự đam mê, sáng tạo mới đi tới thành công. Song riêng với nghề báo, lao động lại mang tính đặc thù riêng biệt. Ngoài đam mê, sáng tạo còn là tính phát hiện, dày công tìm kiếm, ngôn ngữ uyên thâm, bác học nhưng lại phải mang tính quần chúng, có khối kiến thức khổng lồ cổ kim, đông tây có thể vận dụng vào các trang viết bất kể lúc nào. Tác phẩm được hình thành dù là khen hay chê, điều tra hay chỉ là phản ánh thông thường đều phải làm chắc chắn có lý, có tình. Quan trọng hơn là gieo vào lòng người đọc, người nghe, người xem một cách hiệu quả nhất. Tác giả gắn với tác phẩm. Khi đã đăng phát thì đó không đơn thuần là của cá nhân mà là sản phẩm mang tính xã hội. Nhà báo thực sự là con người của công chúng.

Tính nhạy bén rất quan trọng với nhà báo. Có thể mọi người nhìn sự vật, hiện tượng chưa chắc đã phát hiện ra vấn đề. Nhưng với nhà báo, đặc biệt là những người giàu kinh nghiệm nhìn đâu cũng ra chủ đề, đề tài để phản ánh tới công chúng. Chủ đề và đề tài với nhà báo là vô biên. Song tìm ra những mô hình điển hình và nhân tố mới không phải lúc nào cũng sẵn có. Nuôi dưỡng điển hình và nhân tố mới là việc làm thường xuyên của nhà báo, không phải là làm xong rồi bỏ đấy, mà nhà báo tiếp tục theo dõi bước đi của mô hình. Như vậy mới tạo ra được tác phẩm có chiều sâu, nêu được mô hình điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Cùng một chuyến đi nhiều người coi đó như một chuyến du lịch mi ni, nhưng với nhà báo không thế. Tất cả những tư liệu cóp nhặt được sẽ là những chi tiết đắt để hình thành nên tác phẩm. Trong điều kiện diễn ra một sự kiện, khi mọi người xong việc, có thể vui chơi ăn uống, tiệc tùng, chúc tụng nhau, thì nhà báo vẫn đang miệt mài với công việc của mình. Bằng mọi cách cho ra đời tác phẩm, bản tin chuyển về tòa soạn, ban biên tập, kịp thời lên khuôn, bố trí đưa thông tin sự kiện đến với công chúng một cách nhanh nhất.

Cách làm việc của nhà báo không kể là ngày hay đêm. Cứ có sự kiện là tác nghiệp. Bất chấp hiểm nguy để có thông tin tốt nhất, nhanh nhất, chính xác nhất đến với công chúng. Sau một sự kiện, không phải là người làm nghề được nghỉ ngơi mà tiếp tục miệt mài với các sự kiện khác. Nghĩa là công việc cứ nối dài công việc, làm không ngừng nghỉ. Đã là người của công chúng thì luôn luôn có sự vận động để có sản phẩm tốt nhất đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của người đọc, người nghe, người xem. Bút pháp của nhà báo cũng hết sức độc đáo. Qua trang giấy và cây viết (nay công cụ chủ yếu là dùng máy tính), nhà báo xây dựng nên tác phẩm có hồn mà người khác không làm được. Mỗi nhà báo có một bút pháp khác nhau, người thì viết nhẹ nhàng, thanh thoát. Người thì viết gân guốc, ồn ào. Người thì thể hiện thâm thúy, sâu cay. Song tất cả đều hướng tới mục đích cuộc sống. Cao cả hơn là phục vụ nhiệm vụ chính trị, cuộc sống rộng lớn của nhân dân. Cho nên nhà báo có một vai trò hết sức to lớn trong đời sống, xã hội.

Lao động đặc thù của nghề báo. (Ảnh: Thành Long)

Nghề làm báo công bằng với tất cả mọi người. Dù đó là cây viết chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Cốt là người làm nghề có đam mê, sáng tạo hay không. Có những nhà báo có thẻ chưa hẳn làm tốt hơn nhà báo không có thẻ. Bởi vì sự năng động của mỗi người cầm bút đã nói lên tất cả. Cho nên đòi hỏi mỗi cây viết nhiệt huyết hơn khi được nhân dân tin tưởng, mong đợi. Hiện tại, những cây viết uyên thâm không nhiều. Thay vào đó là rất nhiều cây viết trẻ. Thế mạnh của cây viết trẻ là xông xáo, chịu khó đi, chịu khó khám phá, có trình độ ngoại ngữ, có trình độ vi tính, cách tư duy nhanh và hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ thời gian, ít ra là phải rèn luyện để có độ chín nhất định. Có như vậy mới đủ khả năng làm nên những tác phẩm đồ sộ, để đời.

Lao động báo chí là một loại lao động đặc thù. Cực kỳ vất vả, khó khăn, hiểm nguy. Song không phải ai cũng hiểu. Mọi người nhìn thấy phóng viên cầm máy ảnh, camera, máy ghi âm trông rất sành điệu, vi vu. Bên trong cái sành điệu, vi vu ấy là cả một sự lao động trí óc, sáng tạo miệt mài. Nói về nghề thì kể sao cho hết. Đã mang lấy nghiệp vào thân thì phải làm cho tròn bổn phận của mình. Xã hội vẫn đang cần những người cầm bút và những người cầm bút tiếp tục tỏa sáng bằng chính tác phẩm qua lao động sáng tạo của mình, phản ánh những khía cạnh của đời sống, xã hội đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhân dân.

Nhà báo Nguyễn An Chiến – Phó giám đốc Đài PT-TH Lào Cai


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết