Lời giải cho bài toán vượt biên làm thuê trái phép

11:24 28-02-2019 | :673

Laocaitv.vn - Có nhiều nguyên nhân để người lao động vượt biên sang Trung Quốc làm việc trái phép, song nguyên nhân chính là do đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, không có việc làm, thu nhập không ổn định. Là xã biên giới, hàng năm có nhiều lao động vượt biên làm thuê trái phép, những năm qua, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng đã tích cực tuyên truyền, vận động, đặc biệt là xã và huyện có nhiều chính sách, đẩy mạnh sản xuất nội địa, nâng cao đời sống người dân, nhằm hạn chế lao động đi tìm việc làm trái phép.

 

Xã Bản Phiệt đã từng là một trong những xã của huyện Bảo Thắng có nhiều người vượt biên làm thuê trái phép nhất

Trước đây, xã Bản Phiệt là một trong những xã của huyện Bảo Thắng có nhiều người vượt biên làm thuê trái phép nhất, vậy nhưng thời điểm này thay vì đi bốc vác hàng hóa thuê, vượt biên trái phép sang nước bạn kiếm việc làm, nhiều lao động ở Bản Phiệt đã yên tâm lao động sản xuất tại quê hương, phát triển các mô hình kinh tế theo hướng ổn định, bền vững, mang lại thu nhập. Ở Bản Phiệt, dứa là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét nhất trong chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Năm 2018, toàn xã Bản Phiệt có 210 ha dứa, rải đều tại 6 thôn bản, trong đó diện tích trồng nhiều nhất là tại 2 thôn Nậm Siu và Nậm Sò, sản lượng đạt gần 5.300 tấn quả tươi, tăng trên 1.500 tấn so với năm 2017, tổng thu nhập ước đạt gần 24 tỷ đồng. Ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng cho biết: "Nhờ tích cực trong công tác tuyên truyền và các chính sách ưu đãi hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế, đến nay nhiều hộ ở xã phát triển kinh tế rất tốt, số lao động vượt biên trái phép giảm đi rất nhiều, tính đến nay qua rà soát thì chỉ có 5 khẩu là vượt biên đi làm thuê trái phép". 

Cây dứa là cây chủ lực ở 2 thôn Nậm Siu và Nậm Sò

Nhờ cây dứa, gia đình chị Đặng Thị Thủy, thôn Nậm Siu, xã Bản Phiệt có của ăn của để, xây được nhà với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Chia sẻ về cách làm giàu của gia đình, chị Thủy cho biết: "Chục năm về trước khi mới lập gia đình, vợ chồng tôi không có gì ngoài một mảnh đồi cằn cỗi trồng ngô, khoai, sắn. Từ sự động viên của cán bộ và người dân trong thôn bản, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng để đầu tư trồng dứa. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm chưa được giá cao, cùng với đó thị trường cũng thường xuyên biến động nên thu nhập cũng không nhiều. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tuân thủ đúng quy trình sản xuất dứa an toàn nên giá bán ổn định, cho thu nhập cao hơn. Gia đình tôi đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho bà con trong thôn bản".

Người dân trong thôn bản giờ đây đã chủ động tích cực tham gia sản xuất ngay tại địa phương

Từ ngày có cây dứa, đời sống của bà con trong thôn Nậm Siu đã có nhiều thay đổi tích cực, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã thay đổi rõ nét, nhiều hộ dân xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa tiện nghi đắt tiền nhờ trồng dứa đang ngày một tăng nhanh. Dứa cũng góp phần đưa thu nhập đầu người của Bản Phiệt năm 2018 đạt gần 34 triệu đồng/người/năm, người dân trong thôn bản giờ đây đã chủ động tích cực tham gia sản xuất ngay tại địa phương, không còn phải lo kiếm việc làm ở những nơi đất khách quê người như trước đây. Chị Đinh Thị Chanh, Thôn Nậm Siu, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng cho biết: "Chúng tôi trồng dứa phát triển kinh tế tại địa phương thôi, có việc làm ở đây rồi thì  không cần phải đi sang Trung Quốc làm thuê nữa, ở đây chúng tôi làm không hết việc còn phải thuê người đến làm nữa đấy".

Nhiều hộ xây được nhà cao tầng thể hiện sự đủ đầy của bà con nơi đây

Với cách làm cụ thể, sát với tình hình thực tế của từng thôn bản, từng khu dân cư, thời gian qua, huyện Bảo Thắng đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trước đây thường xuyên phải đi tìm việc làm ở bên kia biên giới. Thông qua việc triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng đa dạng hóa các mô hình kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực cho hiệu quả bền vững, gắn với đẩy mạnh đào tạo nghề, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với lao động nông thôn. Riêng trong năm 2018, huyện Bảo Thắng đã tạo việc làm mới cho 2.300 người, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó tạo việc làm mới thông qua hình thức vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 320 người; tạo việc làm mới thông qua các chương trình tuyển dụng trên 400 người; tạo việc làm mới thông qua hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi nghề trên 1.200 người. Bà Thèn Thị Hồng, Phó trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Bảo Thắng cho biết: "Tính đến hết năm 2018 số người đi xuất khẩu lao động tự do trong toàn huyện là gần 1.300 người, đến Tết Nguyên đán 2019 thì số lao động này đã về địa phương gần hết, chỉ có một số ít ở lại Trung Quốc. Chúng tôi đã phối hợp với các xã trên địa bàn huyện tích cực tuyên truyền để những lao động này ở lại địa phương, đồng thời vận động để họ đăng ký học nghề ở các cơ sở đào tạo việc làm của huyện sau khi đào tạo xong sẽ bố trí việc làm luôn".

Có thể thấy, để hạn chế tình trạng vượt biên làm thuê trái phép, thì giải pháp sâu bền nhất là phải đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn thực hiện các mô hình kinh tế để họ có việc làm và thu nhập ổn định. Khi đó họ mới yên tâm bám bản, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn đường biên cột mốc và trật tự an toàn nơi biên giới.

Thế Văn - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết