Laocaitv.vn - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả các trường học đều đóng cửa, trong đó khối mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn nhất vì mọi nguồn thu đều trông chờ vào học phí của học sinh. Các trường phải ngừng hoạt động, giáo viên cũng đang phải gồng mình xoay xở tìm việc làm khác.
Thất nghiệp, không có thu nhập và buộc phải tìm công việc khác để kiếm sống là tình cảnh chung của giáo viên các cơ sở mầm non tư thục. Chị Vũ Thị Tĩnh là giáo viên của cơ sở mầm non DINO (phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai). Do trường đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên chị buộc phải nghỉ việc ở nhà không lương. Chồng chị từng làm tại một công ty du lịch cũng phải nghỉ việc bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Mất đi những nguồn thu quan trọng nhất, kinh tế gia đình chị gặp không ít khó khăn. "Phải nghỉ việc dài ngày dẫn đến nguồn thu nhập của 2 vợ chồng tôi bị ảnh hưởng, bên cạnh đó còn phải chăm sóc 2 con nhỏ, khiến cuộc sống gia đình gặp khá nhiều khó khăn", chị Tĩnh chia sẻ.
Không riêng trường hợp chị Tĩnh, những giáo viên tư thục khác cũng chia sẻ gặp rất nhiều khó khăn khi không có việc làm, tìm việc làm thêm cũng không đơn giản, có cô giáo phải làm phụ xây dựng hay bán hàng trên mạng… chị Phạm Thị Thanh Xuân, ở xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai cho biết: "Trong thời gian nghỉ tôi phải tìm việc để làm thêm, nhưng phụ nữ tìm được việc cũng rất khó. Ai thuê gì làm nấy. Ban ngày thì đi phụ xây dựng, buổi tối tôi bán hàng online nhưng cũng rất khó khăn".
Dù đang phải đóng cửa do dịch Covid-19, Trường Mầm non Hải Phượng Kidsshine vẫn chi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để đóng bảo hiểm và trả lương cho giáo viên.
Nhiều trường mầm non không có nguồn thu, song vẫn phải cầm cự để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Trường Mầm non Hải Phượng Kidsshine là một ví dụ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đơn vị này buộc phải cho 20 giáo viên nghỉ luân phiên và cắt giảm tiền lương hằng tháng. Mặc dù không hoạt động nhưng mỗi tháng nhà trường vẫn phải chi phí cả trăm triệu đồng để chi trả tiền bảo hiểm và tiền lương cho giáo viên. Thêm vào đó, số tiền lãi vay ngân hàng để đầu tư cơ sở vật chất từ đầu năm học là một gánh nặng quá sức đối với đơn vị này.
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT Trường Mần non Hải Phượng Kidsshine cho biết: "Nhà trường phải đóng cửa do dịch bệnh nên gặp rất nhiều khó khăn, nguồn vốn cũng cạn kiệt bởi nhiều khoản chi phí. Việc phải cho nghỉ kéo dài như hiện nay sẽ khiến nhiều giáo viên đi tìm công việc khác, trong đó có những giáo viên nước ngoài. Sau này, khi hoạt động trở lại, nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên".
Không phải trường nào cũng đủ khả năng hỗ trợ giáo viên trong thời gian này như Trường Mần non Hải Phượng Kidsshine. Nhiều cơ sở mầm non tư thục buộc phải cho giáo viên nghỉ không lương.
Cơ sở mầm non DINO ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai đã phải đóng cửa từ 2 tháng nay. Ông chủ cơ sở này cho biết, dù trường không phải tốn tiền thuê mặt bằng nhưng trong thời gian không hoạt động tính cho đến tháng 3, chỉ riêng trả tiền lãi ngân hàng cũng khiến cơ sở gặp nhiều khó khăn. "Do không có hỗ trợ chính sách nên đơn vị phải tự gồng gánh lo các khoản chi tiêu. Đơn vị cũng đã phải cho hơn 10 giáo viên nghỉ việc", ông Vũ Văn Minh, chủ cơ sở mầm non DINO cho biết thêm.
Cơ sở mầm non DINO đã đóng cửa 2 tháng nay và phải cho hàng chục giáo viên nghỉ việc.
Hiện, trên địa bàn thành phố Lào Cai, vì không có nguồn thu trong khi tiền thuê mặt bằng quá cao, nhiều trường mầm non tư thục đã đóng cửa. Thậm chí có những trường mầm non tư thục được đầu tư gần 20 tỷ đồng cũng đang tính đến việc bán trường để có tiền trả vốn vay ngân hàng. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ phía ngành Giáo dục, các cơ sở mầm non tư thục đang cố gắng cầm cự với hi vọng dịch bệnh sẽ mau qua để trường học sớm được mở cửa trở lại.
Trung Kiên - Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết